Những năm gần đây, phong tục mừng tuổi ngày càng phổ biến và trở thành nét đẹp văn hóa, truyền thống nhân dịp Tết Nguyên đán. Với ý nghĩa chúc nhau sức khỏe, may mắn, thành đạt… những chiếc bao lì xì màu đỏ tươi luôn được mọi người đón nhận, nâng niu như món lộc xuân đầy ý nghĩa.
Ở nhiều đại gia đình, văn hóa họp mặt đầu xuân kèm theo phong tục lì xì luôn được tôn trọng. Tục mừng tuổi thể hiện tình yêu thương, đoàn kết, xí xóa những hiềm khích, buồn bực trong năm cũ và cùng hướng tới năm mới với ước mong hạnh phúc, may mắn.
Lì xì lấy lộc may mắn đối với người lớn tuổi và trẻ nhỏ là điều nên làm. Tuy nhiên, xung quanh chuyện bao lì xì ngày nay cũng xuất hiện nhiều chuyện vui buồn, trẻ em thường quan tâm xem tiền lì xì là bao nhiêu rồi bình luận, so sánh.
Nhưng đáng báo động hơn cả là phong tục lì xì đang có dấu hiệu bị biến tướng đối với người lớn, vì họ xem đây là cơ hội để biếu xén đầu năm. Chính vì thế, thay vì mang ý nghĩa tốt đẹp, bao lì xì lại bị mang tiếng xấu khi chứa đựng ý đồ vụ lợi cá nhân.
Cụ thể như khi đến chúc tết nhà “sếp”, có một số “lính lác” cố tình bỏ số tiền lớn vào bao lì xì để tặng người thân của sếp. Để chuẩn bị cho những phi vụ làm ăn trong năm mới, người ta cũng lợi dụng chuyện lì xì để tặng những người có chức có quyền số tiền lớn, thậm chí là những tờ đô la cho gọn. Chính vì vậy, việc “phục hưng” giá trị đích thực của văn hóa lì xì cần được quan tâm.
Các bậc cha mẹ hãy nhắc nhở, giáo dục cho con em mình hiểu rõ ý nghĩa của lì xì là đón nhận lộc đầu năm mới, đặc biệt là nhắc nhở các em không nên mở bao lì xì để đếm tiền trước mặt người mừng tuổi.
Chúng ta cùng nhau gìn giữ nét đẹp truyền thống, tính nhân văn của việc lì xì để đón lộc đầu năm.
Hà Vân (TPHCM)