Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Một trong những nội dung nóng mà cử tri kiến nghị với kỳ họp Quốc hội lần này là sớm có giải pháp cứu nông sản hay nói cách khác là không để lặp lại tình trạng “được mùa mất giá”, nhằm tạo sự bình ổn cho đầu ra của nông sản. Và rất mừng đây sẽ là một trong những nội dung được nghị sự tại phiên họp lần này.

Một trong những nội dung nóng mà cử tri kiến nghị với kỳ họp Quốc hội lần này là sớm có giải pháp cứu nông sản hay nói cách khác là không để lặp lại tình trạng “được mùa mất giá”, nhằm tạo sự bình ổn cho đầu ra của nông sản. Và rất mừng đây sẽ là một trong những nội dung được nghị sự tại phiên họp lần này.

Thực tình, chuyện “được mùa mất giá” đã trở thành điệp khúc kéo dài dai dẳng như vết chàm khó chữa. Bàn về chuyện này, nhiều người, nhiều ngành đều nhắc tới “liên kết 4 nhà” qua nhiều hội thảo nhưng thực tế chưa được như ý muốn.

Thực trạng đáng xót xa là vừa qua dưa hấu đất Quảng phải cho bò ăn, hành tím Vĩnh Châu tồn đọng gần 50.000 tấn… Dường như còn nhiều rào cản nên nhà khoa học đến với nhà nông nửa chừng thì đứt gánh, nhà doanh nghiệp “thương lắm” cũng chỉ mua được vài chục tấn dưa hấu, rồi đường ai nấy đi. Còn cơ quan nhà nước, nơi nào tích cực thì dân nhờ, không thì có đủ trăm ngàn lý do đổ thừa như “trồng không theo quy hoạch”, “nông sản không đạt chất lượng xuất khẩu”… Nông dân lãnh đủ và chỉ biết khóc thầm. Báo chí lên tiếng, dư luận than phiền, may mắn vài bộ chức năng vào cuộc và lại… tiếp tục hội thảo!

Nhìn người mà ngẫm đến ta, như Thái Lan làm ăn bài bản như thế nào. Chuyện thu hút khách du lịch, từ các ngành như khách sạn, ăn uống, khu du lịch đến hàng không… đều có chỉ huy, nên không xảy ra tình trạng giành khách, lợi ích nhóm, tăng giá vô tội vạ. Rồi chuyện me, măng cụt, sầu riêng Thái vừa ngon, giá vừa rẻ cứ đổ dồn về chợ Bình Điền hay chợ nông sản Thủ Đức, trong khi trái cây nội địa lép vế trên sân nhà.

Rõ ràng, trong vấn đề này, nhà nước, cụ thể là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, phải đóng vai trò “bà đỡ”. Không có “bà đỡ” thì nông sản Việt vẫn loanh quanh với điệp khúc “được mùa mất giá”. Hai bộ sẽ là điểm tựa để nhà khoa học, doanh nghiệp yên tâm vào cuộc trợ giúp cho nông sản của nông dân. Trái cây Việt có ngon hơn, ngọt hơn, trữ lâu hơn không, hay làm gì cho công nghệ sau thu hoạch… là chuyện của nhà khoa học. Còn đi xa hơn, bán được giá hơn, đủ lực để đối đầu với nông sản ngoại thuộc về trách nhiệm của nhà doanh nghiệp. Thậm chí, chính “bà đỡ” còn giữ vai trò tiếp thị cho nông sản. Các tỉnh phía Bắc chuẩn bị vụ thu hoạch trái vải sắp tới, đã xách cặp vào TPHCM và các tỉnh phía Nam để tiếp thị, đó là một động thái cần suy nghĩ.

Không đơn giản là chuyện cái tâm hay giải cứu, mà phải xem đây là trách nhiệm. Hay như chuyện 2 máy chiếu xạ cho trái cây. Nhãn, vải đất Bắc sắp vào thị trường Mỹ là tin mừng, nhưng máy chiếu xạ lại ở trong Nam. Nhà vườn lo đã đành, địa phương cũng rối ruột. Ai sẽ giải quyết chuyện này, nếu không phải là “bà đỡ” nhà nước lớn?

Nông sản lên bàn nghị sự, nông dân mừng vì trễ còn hơn không. “Bò” còn đó, chỉ chờ “chuồng”. Mong rằng đầu ra nông sản sẽ không phải chờ “hội thảo, hội nghị” nữa mà phải bắt tay vào làm, gỡ khó từ đầu bờ, đầu ruộng đến siêu thị, cửa hàng rồi đến cửa khẩu xuất đi. Là người dân, chúng tôi cũng muốn góp sức mình, được mua, được sử dụng nông sản Việt với giá tốt, chất lượng an toàn, thay vì phải xài nông sản ngoại với bao canh cánh nỗi lo chất lượng…

TRẦN TRÁNG (quận 1, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục