Mấy ngày qua, dư luận một lần nữa bức xúc và bất bình trước thông tin một số hộ dân trong vụ cháy 13 căn nhà trên đường Võ Văn Kiệt (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TPHCM) xảy ra chiều 1-12 bị “hôi của”.
Đáng lo ngại hơn khi đây không phải là lần đầu tiên nạn “hôi của” xuất hiện, kẻ gian không phải một đối tượng mà là số đông. Điều này cho thấy sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận người dân, về lâu dài nếu không được chặn đứng kịp thời, hậu quả sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhiễu loạn kỷ cương, trở thành bệnh khó trị.
Nhìn lại các vụ “hôi của” đã xảy ra, từ vụ lấy bia khi xe tải gặp tai nạn đổ bia xuống đường vào tháng 12-2013 ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), vụ “hôi hoa” sau buổi khai trương của một trung tâm mua sắm tại TPHCM và mới đây nhất là vụ “hôi laptop”, “hôi ti vi”… tại vụ cháy nhiều nhà dân trên đường Võ Văn Kiệt... Có nhiều nguyên nhân khiến con người ta tiếp cận với thói xấu này. Đầu tiên là ý thức của họ (kẻ gian) còn quá kém, lòng tham của con người đặt không đúng chỗ. Tiếp đến là việc phong tỏa, can thiệp, bảo vệ tài sản cho nạn nhân của cơ quan chức năng (trong trường hợp tai nạn, sự cố) còn chậm, thậm chí nhiều đơn vị còn thiếu trách nhiệm, bảo vệ hiện trường qua loa.
Song điều đáng nói là mức xử lý đối với những trường hợp “hôi của” còn quá nhẹ, nhiều trường hợp còn không bị xử lý. Trong khi đó, việc tuyên truyền, vận động, hướng con người - nhất là những người từng có tiền án, tiền sự, từng có “tỳ vết” về trộm cắp, cướp giật - phấn đấu sống tốt lại có lúc, có nơi chưa được chính quyền, đoàn thể quan tâm, thực hiện hiệu quả. Trở lại vụ cháy nhiều căn nhà trên đường Võ Văn Kiệt, nhiều hộ dân nhà bị cháy dù được UBND phường Cầu Ông Lãnh bố trí nghỉ tạm ở khu Đình Nhơn Hòa trên đường Cô Giang (quận 1), nhưng vẫn trở lại lây lất bên căn nhà bị cháy của mình để canh chừng những tài sản còn sót lại sau vụ cháy.
Những hình ảnh đó cho thấy nạn “hôi của” đã trở thành vấn nạn rất đáng báo động. Có ý kiến cho rằng, trong vụ cháy này, nếu lực lượng dân phòng, cảnh sát khu vực… sâu sát hơn trong việc bảo vệ hiện trường, giữ tài sản của người dân, hẳn nạn “hôi của” sẽ không xảy ra. Đành rằng, các lực lượng này có nhiều việc phải làm, cùng lúc kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, nhưng việc bảo vệ tài sản cho người gặp nạn là việc cần làm hơn hết. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn thể hiện cái tâm của con người, cùng sẻ chia, đỡ đần khó khăn cho người gặp hoạn nạn.
TUẤN VŨ