Theo số liệu từ Thanh tra Sở GTVT TPHCM, tính đến tháng 12-2019, có tổng cộng hơn 120 lô cốt rào chắn trên 54 tuyến đường để phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn thành phố. Trong đó, có nhiều dự án được cấp phép thi công từ đầu quý 4-2019.
Trên các tuyến đường Lê Lợi, Pasteur, Trần Hưng Đạo gần khu vực chợ Bến Thành (quận 1), lô cốt đã rào chắn suốt mấy năm từ khi triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên). Đây là những tuyến đường trọng điểm, hoạt động thương mại sầm uất, có đông du khách, nhưng do các lô cốt rào chắn nên giao thông bị ùn ứ, không chỉ người đi đường bị ảnh hưởng, mà hàng loạt cửa hàng kinh doanh tại đây cũng không thể hoạt động.
Tại quận 4, cũng có nhiều lô cốt rào chắn trên các tuyến đường. Trong gần 3 năm qua, nhằm phục vụ công trình cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 2, trên đường Bến Vân Đồn từ đoạn chân cầu Calmette kéo dài đến gần cầu Nguyễn Văn Cừ, có hàng loạt lô cốt nối nhau chiếm dụng mặt đường, khiến xe cộ lưu thông rất khó khăn.
Tuyến đường Tôn Thất Thuyết cũng bị lô cốt dày đặc chiếm dụng lòng đường. Phần lớn các công trình đều ghi thời gian được cấp phép thi công từ quý 4-2019, thời gian hoàn thành trong quý 2 hoặc quý 3-2020.
Đường Phạm Thế Hiển (quận 8) luôn bị kẹt xe giờ cao điểm sáng và chiều do toàn tuyến đường đang có cả chục lô cốt, bao năm qua người dân khốn khổ vì rào chắn thi công, vài lô cốt vừa được tháo gỡ thì đến cuối năm lại tiếp tục mọc thêm nhiều rào chắn khác.
Đường Bến Bình Đông (quận 8) hẹp và đông xe, nhưng cũng thường xuyên có nhiều lô cốt nên lưu thông rất khó khăn. Sau khi lô cốt dời đến đoạn khác thì để lại mặt đường nham nhở, bị xẻ nát, chằng chịt các vết chắp vá, trồi lún, do đơn vị thi công tái lập cẩu thả.
Trên đường Võ Văn Kiệt (địa bàn quận 5) có nhiều lô cốt chiếm dụng làn đường của xe máy (phía ven bờ kênh) suốt cả năm, rào chắn làm chỗ để xe chuyên dụng và vật tư, chứ không thấy thi công.
Ùn tắc giao thông làm giảm chất lượng sống của người dân, khiến mất rất nhiều giờ công lao động và gây thiệt hại xã hội rất lớn, trong đó có nguyên nhân không nhỏ từ sự tồn tại dai dẳng của các lô cốt rào chắn trên đường.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, buôn bán, mua sắm tăng cao, do vậy, TPHCM cần dồn sức chấn chỉnh tình trạng lô cốt rào chắn tràn lan dịp cuối năm. Thanh tra Sở GTVT nên rà soát các công trình đang thi công trên địa bàn thành phố, lô cốt nào đã rào chắn quá hạn cấp phép do thi công rề rà hoặc không thi công thì phạt và buộc tháo dỡ ngay. Nên thực hiện thi công công trình theo phương thức cuốn chiếu, xong rồi tháo dỡ dời đến nơi khác, chứ không đồng loạt rào chắn nhiều lô cốt trên một con đường. Hạn chế tối đa việc kéo dài thời gian rào chắn lô cốt trong mùa kinh doanh cuối năm và thời điểm Tết Nguyên đán.
Tập trung làm công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị vào thời điểm này vì căn bệnh trầm kha làm đủng đỉnh cả năm rồi hối hả cuối năm để kịp “giải ngân”. Để chấn chỉnh, nhất thiết phải siết chặt quản lý. Sang năm 2010, phải quyết liệt chấm dứt “điệp khúc đào đường cuối năm”. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh việc lợi dụng sơ hở, “vẽ” ra dự án để giải ngân hết số tiền được phân bổ trong năm đối với công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.