Đừng quên tính nhân văn

Cuối tuần qua, tôi đưa con đến Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự - Phản ứng nhanh, thuộc Công an quận Phú Nhuận, TPHCM, để đăng ký biển số xe mới. Sau khi nộp hồ sơ, 2 mẹ con ra ghế ngồi chờ cán bộ đọc tên lấy biển số. Bỗng nhiên con tôi khóc thét khi nhìn thấy những bức ảnh tai nạn giao thông thảm khốc treo dọc theo lối đi.

Có chừng khoảng hơn 40 tấm ảnh, trong đó hầu hết đều chụp cận cảnh nạn nhân chết tại hiện trường. Có người mất đầu, toàn thân dập nát; có người đứt lìa tay chân, máu me đầm đìa trông chẳng khác gì hình ảnh trong các bộ phim kinh dị. Toàn bộ các bức ảnh đều là ảnh màu, từng chi tiết đều hiển hiện rõ ràng. Người lớn khi trông thấy những hình ảnh này còn phải giật mình, sợ hãi, huống chi là trẻ nhỏ.

Thật bất nhẫn vì trong số đó, nhiều ảnh có chú thích cụ thể tên, tuổi, địa chỉ của nạn nhân chết trong các vụ tai nạn. Thử hỏi nếu người nhà của các nạn nhân đó đến đây đăng ký biển số xe như tôi, phải trông thấy những tấm ảnh về cái chết thê thảm của người thân, liệu có chịu thêm nỗi đau đớn quá lớn lần nữa? Tôi tự hỏi có cần nêu rõ tên, tuổi những người chết đó không? Dù chính họ là thủ phạm gây ra tai nạn hay là nạn nhân thì cũng nên cho họ được yên nghỉ và đừng làm người thân của họ phải đau lòng.

Vẫn biết việc trưng bày các hình ảnh chết chóc thảm khốc đó có dụng ý giáo dục, cảnh tỉnh tất cả mọi người dân, tuyên truyền chấp hành nghiêm chỉnh luật an toàn giao thông. Nhưng việc trưng ra những tấm ảnh ghê rợn đó và công khai cả họ tên nạn nhân là điều nên tránh. Thiết nghĩ, cần xem lại việc tuyên truyền hình ảnh tai nạn giao thông, làm thế nào để việc tuyên truyền vừa mang tính hiệu quả vừa có tính nhân văn.

Thanh Thu (TPHCM)

Tin cùng chuyên mục