Các trường mầm non, tiểu học, THCS đang tuyển sinh đầu cấp. Suốt hơn 1 tháng nay, nhiều phụ huynh tất bật chạy vạy tìm cách để con mình vào học trường điểm. Để nộp đơn cho con mình vào học ở Trường Mầm non Hướng Dương (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), hàng trăm phụ huynh phải chen lấn, chầu chực xếp hàng từ 22 giờ hôm trước. Tại Hà Nội, nhiều thí sinh mới 6 tuổi đã phải xếp thành hàng dài căng thẳng dự thi tuyển sinh vào lớp 1 ở một số trường tiểu học ngoài công lập có tên tuổi.
Với tâm lý mong muốn con mình được học ở một trường uy tín, chất lượng cao để có môi trường rèn luyện tốt, phụ huynh đã chạy ngược chạy xuôi, tìm mọi cách xin cho con vào học. Tuy nhiên, việc vào học ở trường điểm, tuyển học sinh có học lực cao, trong khi sức học của con mình chưa đạt tới, sẽ gây áp lực khiến trẻ không theo kịp bạn bè trong lớp, dễ chán học và bị tổn thương. Việc trẻ học ở trường trái tuyến sẽ phải đi học xa, mất nhiều thời gian, mệt mỏi, đối mặt nguy cơ ô nhiễm và tai nạn giao thông khi lưu thông trên đường. Khi phải thi vào lớp 1, trẻ phải làm những bài thi trắc nghiệm IQ, kiểm tra tiếng Anh, thực hiện các bài tập nhảy, hát... cạnh tranh với nhiều bạn bè khác để giành được một suất học vào trường chất lượng cao. Muốn vượt qua cửa ải đó, các cháu bé phải ôn luyện các môn văn hóa, ngoại ngữ; thậm chí cả những môn năng khiếu hát, múa... Việc đối mặt với nhiều áp lực, căng thẳng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, sức khỏe của trẻ thơ. Điều đáng lo là trẻ em chịu áp lực thành tích trong thời gian dài sẽ phát triển sự oán giận, dẫn đến nổi loạn và cự tuyệt gia đình, xã hội.
Để giải quyết vấn đề này, cần có chính sách phát triển giáo dục hợp lý, đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngành giáo dục phải đầu tư nhiều vào việc nâng cấp chất lượng đại trà ở các trường, địa phương, không nên để quá chênh lệch giữa các trường về chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, dẫn đến tình trạng cứ đến đầu năm là phụ huynh chen chúc, chạy chọt xin cho con vào trường điểm. Riêng với các phụ huynh, hãy hiểu rằng giáo dục không nên là cuộc đua bất tận về điểm số hay bằng cấp. Chúng ta đừng tạo cho con trẻ quá nhiều áp lực, buộc phải thi đậu vào trường này, phải đứng ở tốp 10 trong lớp hay phải giỏi toàn diện… Thay vào đó nên tạo điều kiện cho con vừa học, vừa chơi để phát triển toàn diện theo đúng lứa tuổi.
PHAN SƠN (quận Bình Thạnh, TPHCM)