Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2016 vừa trôi qua, để lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau đối với đông đảo dư luận người dân.
Đây là năm thứ hai cả nước áp dụng kỳ thi “2 trong 1”. Nhớ năm ngoái, khi bắt đầu triển khai cách thi này, không ít dư luận bàn ra tán vào. Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận còn phải lên tiếng nhận trách nhiệm và xin lỗi khi mọi người ta thán cách xét tuyển “rối như canh hẹ” khiến nhiều thí sinh lao đao, chạy ngược chạy xuôi. Nhiều tờ báo đã vào cuộc mổ xẻ và có những ý kiến đề nghị trở lại cách thi cũ - 2 kỳ thi như truyền thống. Không thoái chí trước búa rìu dư luận, ngành giáo dục ghi nhận những ý kiến đóng góp và tiếp tục thực thi mô hình “2 trong 1” với tinh thần gạn đục khơi trong.
Gặp gỡ nhiều phụ huynh có con thi đợt này, có thể ghi nhận được nhiều nhận xét tích cực từ phía người trong cuộc. Không còn những từ “động binh”, “cuộc di dân” như những kỳ thi trước (trừ hội đồng thi Đại học Sài Gòn dành cho các thí sinh từ Long An lên thi). Hôm đầu tiên, ngày 1-4, buổi trưa có kẹt xe một chút, còn những ngày sau đó giao thông tại TPHCM vẫn bình thường như mọi khi. Ở đâu thi đó, thí sinh ở tỉnh không phải lên TPHCM, nhiều thí sinh được thi ngay hội đồng thi tại quận nhà. Không còn cảnh thí sinh và phụ huynh phải nằm bờ ngủ bụi, ăn vội gói xôi, hộp cơm. Vẫn có chương trình “Tiếp sức mùa thi” nhưng không còn cảnh chuyển cơm, chuyển nước như… ra trận. Nhiều bạn tham gia chương trình này cho biết năm nay khỏe hơn, không vất vả như mọi năm. Còn các trung tâm luyện thi đình đám một thời, nay cũng đã tự động đóng cửa. Rõ ràng, cách thi “2 trong 1” tiết kiệm công sức, tiền của xã hội, được người dân rất đồng tình và thí sinh ủng hộ.
Cái vướng lớn nhất của kỳ thi năm ngoái là phương thức xét tuyển quá rối, hạ tầng thông tin không đáp ứng nhu cầu, nhiều trường hợp phải ngồi suốt đêm trên máy vi tính mà vẫn không truy cập được. Năm nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết sẽ giao nhiều quyền hạn hơn cho các trường, cải tiến cách đăng ký nguyện vọng… có lẽ là tín hiệu tốt để không lặp lại tình trạng cũ. Nếu được như vậy, kiểu thi “2 trong 1” là đổi mới to lớn của nền giáo dục nước nhà.
Vấn đề còn lại hiện nay là quan niệm và cách ra đề thi. Đề thi gắn với tình hình thời sự hay kiến thức hàn lâm, sách vở, đó là công việc của các nhà giáo dục. Nhiều phụ huynh và thí sinh chỉ trăn trở một điều “xưa nay cũ”: đề thi dài quá! Chỉ làm trong 90 phút nhưng đề thi Hóa dài 6 trang, đề thi Sinh dài 8 trang… Một phụ huynh có con là học sinh chuyên hóa một trường nổi tiếng tại TPHCM, kể: “Thi xong, cháu đi ra mà mặt mày mồ hôi mẹ, mồ hôi con ròng ròng”. Không ít thí sinh khác thi xong mắt đỏ hoe do “đề dài quá, khó quá!”. Nhiều phụ huynh lẫn thầy cô bức xúc đặt câu hỏi: Đề thi có cần thiết phải dài như vậy? Một lập luận quen thuộc: Đề dài để có tính phân hóa cao. Thiết nghĩ, tính phân hóa nằm ngay trong câu hỏi, không cứ phải dài mới phân hóa. Kiểu đề thi dài rồng rắn như vậy, đòi hỏi thí sinh phải nắm vững một… đống kiến thức, “đọc đề thi xong là nín thở mà…múa bút, nếu không là không kịp giờ”. Ra đề như vậy không trách sao thí sinh phải học thật khủng, thuộc thật nhiều và làm bài như cái máy. Chiều 3-7, sau khi thi xong môn Hóa, nhiều thí sinh phải vội vàng gọi điện đến tìm thầy cô môn Sinh để luyện bài tiếp đến tận 22 giờ vì ai cũng đoán đề Sinh sẽ không khác gì đề Hóa. Và thực tế là đúng như vậy.
Kiểu thi “2 trong 1” là cách mà nhiều nước tiên tiến đã và đang làm. Bây giờ chúng ta mới học cách làm này và được dư luận đồng tình ủng hộ. Mong ngành giáo dục tiếp tục nghiên cứu cải tiến những tồn tại để kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn là gánh nặng của nhiều gia đình; học sinh không còn phải lo học thêm học bớt, tầm chương trích cú mà học để hiểu, học làm người tốt cho xã hội.
THÀNH NGUYỄN (quận 8, TPHCM)