Giải pháp chấn chỉnh trật tự lòng lề đường

Chiếm dụng lòng lề đường để làm hàng quán, làm bãi xe, họp chợ tự phát đã thành một vấn nạn tại TPHCM suốt nhiều năm qua, diễn ra ngày càng tràn lan từ quận trung tâm đến quận ven và cả huyện ngoại thành, khiến môi trường, cảnh quan đô thị trở nên nhếch nhác, lộn xộn. 

Chiếm dụng lòng lề đường để làm hàng quán, làm bãi xe, họp chợ tự phát đã thành một vấn nạn tại TPHCM suốt nhiều năm qua, diễn ra ngày càng tràn lan từ quận trung tâm đến quận ven và cả huyện ngoại thành, khiến môi trường, cảnh quan đô thị trở nên nhếch nhác, lộn xộn. 

Thực tế không phải là không có giải pháp khả thi để hạn chế, tiến tới ngăn chặn hiệu quả tình trạng chiếm dụng lòng lề đường. Việc cần làm trước hết là rà soát để bổ sung, hoàn thiện các điều kiện kinh doanh đi kèm với giấy phép kinh doanh - nhất là với các ngành nghề chiếm nhiều diện tích như dịch vụ vận chuyển hành khách, nhà hàng, quán ăn, kinh doanh taxi.

 Như vậy vẫn chưa đủ, bởi đã có quy định chặt chẽ mà bộ máy công quyền làm việc qua loa, hời hợt thì cũng không mang lại hiệu quả. Không ít cán bộ đương chức đã xem việc chiếm dụng lòng lề đường là một vấn nạn không thể dẹp được, nên thỏa hiệp, lơ là trách nhiệm, hoặc chỉ kiểm tra chiếu lệ. Do đó, cần nâng cao hiệu quả, nâng cao đạo đức của người thực thi công vụ, nhất là quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Thực tiễn công tác giữ gìn văn minh đô thị ở TPHCM thời gian qua cho thấy, dù là chợ tự phát có quy mô lớn như ở khu vực chân cầu Ông Lãnh (đường Võ Văn Kiệt, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) hay bến bãi tự phát trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1), một khi người có trách nhiệm ra tay, vào cuộc một cách quyết tâm thì vẫn có thể giải quyết được ngay. Ngược lại, nơi nào mà người đứng đầu quan liêu, lơ là, thì nạn chiếm dụng lòng lề đường sẽ ngày càng tràn lan. Lâu nay chúng ta nói nhiều đến trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng xem ra chỉ nặng về văn bản hành chính mà chưa đi vào cuộc sống. Đã đến lúc cần đề cao đạo đức công vụ, chú trọng hiệu quả công tác trong việc đánh giá, luân chuyển cán bộ. Một khi đã bổ sung các quy định cần thiết, địa bàn nào còn để xảy ra nhiều tình trạng chiếm dụng lòng lề đường thì kiên quyết xử lý người đứng đầu.

Tất nhiên, ngoài hai giải pháp cơ bản trên, vẫn cần tăng cường vận động tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong dân, làm chuyển biến nhận thức cho một bộ phận người dân vốn có suy nghĩ cứ bám lòng lề đường là sống được. Nên  tăng cường xử phạt qua hình ảnh các hành vi vi phạm để tăng hiệu quả quản lý nhà nước, tác động đến ý thức của người dân.

VĂN PHONG (quận 1, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục