Thời gian gần đây, nạn rải đinh lại tiếp diễn trên nhiều tuyến đường huyết mạch tại TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Cần Thơ… Hành vi này gây thiệt hại và nguy hiểm người đi đường. Các địa phương đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng xem ra kết quả chưa cao, cần phải có giải pháp kiên quyết và đồng bộ hơn.
Trước tiên cần xem việc rải đinh, vật nhọn trên đường là hành vi phạm pháp gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, là loại tội phạm đáng lên án và cần được quy định trách nhiệm hình sự ở khung hình phạt thích hợp sao cho có tính răn đe cao.
Vì hành vi này có thể gây tai nạn chết người, thậm chí gây nguy hại cho nhiều người, nhất là trên những tuyến đường cho phép xe lưu thông tốc độ cao và mật độ xe đông đúc, đặc biệt là trên các cầu lớn và đường dẫn, nên cần phải điều chỉnh luật để có căn cứ xử lý pháp luật. Có như thế mới có thể ngăn chặn hữu hiệu nạn rải đinh và đảm bảo sự an toàn cho người tham gia giao thông.
Các địa phương, đơn vị quản lý trực tiếp cầu đường cần có trách nhiệm bảo đảm cho lưu thông trên đường an toàn, khi phát hiện đường bị rải đinh thì nhanh chóng rà soát, phân nhóm, khoanh vùng đối tượng nghi vấn là những kẻ vá xe giá trấn lột xuất hiện trong những ngày có đinh rải trên đường, để kiểm tra tìm ra nơi sản xuất và công cụ làm ra loại đinh hay vật nhọn làm vật chứng khởi tố khi bắt được thủ phạm có liên quan.
Các địa phương cần phát động phong trào quần chúng tố giác những kẻ sản xuất và thực hiện hành vi rải đinh để thay vá ruột xe giá trấn lột và có khen thưởng xứng đáng. Chắc chắn nhân dân địa phương biết, nhưng chỉ vì sợ đụng chạm với bọn côn đồ xã hội đen nên không dám tố cáo thôi. Nếu tuyên truyền, khen thưởng thỏa đáng và bảo mật tốt, chắc chắn quần chúng sẽ tích cực hưởng ứng và nhiệt tình vạch mặt, chỉ tên bọn xấu. Quan trọng là phải cung cấp số điện thoại nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin cụ thể.
Ngoài chuyện phải dọn dẹp cho đường thông hè thoáng, các địa phương cũng cần tập hợp, tổ chức lại những người vá xe lương thiện, chân chính thành nghiệp đoàn và cùng nhau soạn quy ước chống nạn rải đinh, đồng thời hỗ trợ lực lượng tuần tra làm “tai mắt” bảo vệ an toàn mặt cầu, đường dẫn và những đoạn đường nóng.
Trên các cầu lớn, đường dẫn rất dài, độ dốc cao, lại vắng vẻ, ít có những điểm thay vá ruột xe, nhất là vào ban đêm, là nơi “làm ăn” của những kẻ bất lương. Do vậy các địa phương nên thành lập nhóm cứu hộ lưu động hay xe chuyên dùng chở xe bị nạn, có số điện thoại đường dây nóng công bố rộng rãi hay treo nơi thích hợp để người đi đường lỡ bị cán đinh sẽ gọi đến nhờ cứu hộ, thay ruột hay vá tại chỗ.
Việc làm này nhằm vô hiệu hóa hành vi rải đinh và triệt tiêu lợi ích của kẻ rải đinh.
NGUYỄN VĂN THƯỚC
(TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau)