Giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở TPHCM mà chỉ chú ý giải pháp cấm xe, e là khó thuyết phục. Nhiều người nêu ra trường hợp của Singapore về việc cung cấp quota trong đăng ký ô tô để tính đến việc sẽ phân phối suất sở hữu phương tiện giao thông cá nhân (bao gồm cả xe máy và ô tô). Thực ra điều này rất khập khiễng bởi quy mô của Singapore là một quốc gia, còn TPHCM chỉ là một đô thị, nếu thực hiện hạn mức đó thì cần phải sửa luật, điều này hiện nay chưa thể làm được. Hơn nữa, mức thu nhập và điều kiện giao thông công cộng của Singapore đã phát triển với mức cao so với TPHCM; tập quán đi lại cũng khác với người dân TPHCM. Do vậy, phương án áp dụng theo mô hình Singapore có thể coi là máy móc. Các giải pháp cho phép xe lưu thông ngày chẵn - lẻ theo biển số; tăng phí đăng ký phương tiện cá nhân; cấm xe máy lưu thông một số tuyến đường… thực tế nếu đem áp dụng chỉ giải quyết được phần ngọn, và gần như đẩy phần khó về phía người dân.
Kẹt xe - nỗi khổ của người dân thành phố. Ảnh: T.L
Nếu xem nguyên tắc chống kẹt xe là số lượng phương tiện giao thông trên một đơn vị diện tích (mật độ giao thông) vào một thời điểm nhất định (nhất là giờ cao điểm) thì phải thực hiện đồng thời biện pháp tăng diện tích lưu thông lên và giảm số lượng phương tiện vào thời điểm nhất định đó xuống. Do đó, giải pháp tổng thể cho vấn đề này nên quan tâm chuyển hướng giao thông sao cho giảm các luồng di chuyển vào khu vực trung tâm TP. Các trường học, bệnh viện, trung tâm hành chính, các doanh nghiệp có đông người lao động, các khu dân cư… nên dần chuyển ra các đô thị vệ tinh để giảm dần người sống và làm việc ở khu vực trung tâm đến một mức nào đó phù hợp, đồng thời giảm việc người dân lưu thông ngang qua khu vực trung tâm. Nhanh chóng xây dựng hai bến xe mới (gồm Bến xe miền Tây và Bến xe miền Đông), ga Sài Gòn và không để tồn tại các bến cóc, bến dù ở trung tâm TP, trừ ga tàu điện ngầm và bến xe buýt. Xây dựng và đưa vào sử dụng các tuyến tàu điện ngầm (metro), đồng thời nghiên cứu xây dựng các tuyến mới.
Tăng diện tích lưu thông bằng cách triệt để giải quyết vấn đề lấn chiếm lòng lề đường sai quy định, mở rộng một số tuyến đường, làm mới một số tuyến đường (nhất là các đường vành đai, các đường xương cá…); nghiên cứu xây dựng một số tuyến đường trên cao. Tăng số lượng và chất lượng phục vụ của xe buýt công cộng, chú trọng chọn loại xe phù hợp với điều kiện cụ thể của đường sá ở tuyến đó…
Hạn chế tăng, tiến tới giảm có lộ trình các phương tiện giao thông cá nhân bằng hình thức kinh tế hơn là hình thức hành chính, trong đó có thể tăng phí đăng ký, phí sử dụng xăng dầu…, đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm về đăng kiểm, về thời hạn sử dụng phương tiện. Xây dựng hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh, trong đó thể hiện nhanh chóng, chính xác tình trạng giao thông của TP về lưu lượng xe, ùn tắc, tai nạn, các sự cố trên đường (đường hư hỏng, cây đổ, hỏa hoạn…), gợi ý hướng di chuyển, cảnh báo nguy hiểm… Thông tin này được cập nhật liên tục, thường xuyên trên trang web của cơ quan điều hành giao thông TP, trên hệ thống phương tiện truyền thông, qua các bảng điện tử trên đường.
Nên nghiên cứu sắp xếp giờ học, giờ làm việc hợp lý hơn (có thể cho từng khu vực) để không tập trung quá nhiều phương tiện cùng lưu thông vào một thời điểm. Xử lý nghiêm các hành vi gây mất an toàn giao thông, nhất là với lỗi như đi sai làn đường, đi vào đường cấm, không chấp hành tín hiệu giao thông, có nồng độ cồn vượt mức cho phép, chở quá khổ quá tải, lưu thông vào giờ cấm…; kết hợp phạt tiền với lao động công ích.
Trong quá trình thực hiện cần chú ý tính đồng bộ; một số giải pháp có thể thực hiện trước nhưng phải có sự liên thông, kết nối với các giải pháp khác trong một lộ trình cho phép (đến năm 2025 chẳng hạn).
TRỊNH MINH GIANG (quận Thủ Đức, TPHCM)