Giải phóng mặt bằng - Vướng vì thiếu sự quan tâm, phối hợp

Giải phóng mặt bằng - Vướng vì thiếu sự quan tâm, phối hợp

Đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 5-1-2012, tôi chú ý bài “Nhiều công trình giao thông thi công chậm” do chậm giải phóng mặt bằng (GPMB). Tôi đang làm công tác GPMB (tính đến nay đã được 10 năm), từ thực tiễn công việc, xin nói lên thực trạng trở ngại và đúc kết kinh nghiệm như sau:

Nhiều trường hợp đường được mở rộng nhưng các trụ điện không được công ty điện lực di dời đồng bộ. Ảnh chụp gần ngã ba Nguyễn Đình Kiên và Láng Chà xã Tân Nhựt huyện Bình Chánh TPHCM. Ảnh: Vũ Huyền Đam

Nhiều trường hợp đường được mở rộng nhưng các trụ điện không được công ty điện lực di dời đồng bộ. Ảnh chụp gần ngã ba Nguyễn Đình Kiên và Láng Chà xã Tân Nhựt huyện Bình Chánh TPHCM. Ảnh: Vũ Huyền Đam

Chỉ từ năm 2007 trở lại đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2007 và Nghị định 69/2009, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong khâu GPMB, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ công trình. Cùng thời gian này, UBND TPHCM cũng có hướng dẫn thực hiện tại các quyết định: 17/2008, 65/2008, 82/2008, 35/2010. Tuy nhiên, kết quả đạt được không như mong đợi, hầu hết các công trình triển khai thi công đều vướng GPMB, nhất là công trình trọng điểm.

Nhiệm vụ GPMB chia làm hai phần: (1) giải tỏa nhà dân thường do Ban bồi thường GPMB quận, huyện thực hiện; (2) di dời công trình kỹ thuật do đơn vị chủ sở hữu đảm nhận. Thực trạng cho thấy:

Về giải tỏa nhà dân, ngoài vướng mắc về cơ chế và chính sách chưa theo kịp giá đền bù thì còn có nguyên nhân chủ quan từ chính quyền quận, huyện là đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện do lập phương thức đền bù không rõ ràng, chưa giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân như giá đền bù, gây cản trở đến quá trình thi công. Nếu các vướng mắc này được người có trách nhiệm tận tình giải thích để người dân thấy được lợi ích thiết thực thì sẽ không khó trong công tác giải tỏa.

Về công tác di dời công trình kỹ thuật, vướng mắc trong công tác phối hợp do nhiều ngành quản lý (Sở GTVT, Sở Công thương, Sở Thông tin - Truyền thông, Trung tâm chống ngập nước TP…) và nhiều đơn vị chủ sở hữu (thoát nước, cấp nước, cấp điện, điện thoại…) nên mỗi khi gặp trở ngại, việc xác định đơn vị chủ sở hữu của công trình kỹ thuật cũng là một khó khăn không nhỏ, dẫn đến sự phối hợp giữa các đơn vị này thường chậm trễ. Ngoài ra còn có đơn vị cố tình trốn tránh trách nhiệm trong phối hợp giải quyết, thậm chí không thừa nhận công trình kỹ thuật do đơn vị mình quản lý vì không muốn chịu chi phí di dời, trong khi đó đơn vị thi công xây dựng công trình thì lại không có chức năng thực hiện và thiếu kinh nghiệm xử lý nên phải chờ đơn vị chủ sở hữu giải quyết nên dẫn đến chậm tiến độ công trình.

Để làm tốt công tác GPMB, cần có sự đồng thuận hợp tác từ nhiều phía như chính quyền, chủ đầu tư, đơn vị chủ sở hữu công trình kỹ thuật… Và đặc biệt, từ những người làm trực tiếp công việc GPMB.

Thiết nghĩ: (1) nếu chính quyền kịp thời giải quyết các khiếu nại liên quan đến GPMB đối với người bị thu hồi đất thì sẽ thuận lợi trong giải tỏa, (2) người cán bộ làm công tác giải tỏa nắm rõ các quy định pháp luật liên quan và giải thích để người bị thu hồi đất hiểu chính sách thì sẽ hạn chế những khiếu nại không đáng có, (3) cần có một cơ quan đứng ra làm đầu mối quản lý các đơn vị chủ sở hữu công trình kỹ thuật để phối hợp di dời kịp thời, (4) chủ đầu tư công trình giao thông cập nhật đầy đủ và thực hiện trước các bước thỏa thuận với chủ công trình kỹ thuật trong giai đoạn lập dự án, tránh lúng túng khi thi công.

Trần Văn Tường

Tin cùng chuyên mục