Giải quyết các điểm nóng BOT chưa căn cơ

Nghị trường “nóng” lên với những câu hỏi, trả lời và tranh luận liên quan đến các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Nhiều ĐB cho rằng giải pháp xử lý bất cập tại các dự án BOT vẫn chưa căn cơ.

Ngày 4-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) Quốc hội. Nghị trường “nóng” lên với những câu hỏi, trả lời và tranh luận liên quan đến các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Nhiều ĐB cho rằng giải pháp xử lý bất cập tại các dự án BOT vẫn chưa căn cơ.

“Nóng” tranh luận về các dự án BOT

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
 Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) về chênh lệch giữa số năm thu phí tại dự án BOT so với kết quả kiểm toán, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giải thích, theo luật, nghị định, bộ tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng trên cơ sở dự án được duyệt. Trong hợp đồng có nhiều khoản dự phòng như trượt giá, khối lượng, kinh phí dự kiến giải phóng mặt bằng, phát sinh khác… Bộ đã chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cùng tiến hành kiểm toán trước khi bộ quyết toán. Hiện với 56 dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước đã tham gia 50 dự án. Để đảm bảo quyền lợi người dân, Nhà nước, doanh nghiệp, Bộ GTVT đàm phán và có điều khoản là giá trị sau quyết toán là căn cứ để điều chỉnh thời gian thu phí. Kiểm toán Nhà nước phát hiện chênh lệch lớn là điều hiển nhiên vì những dự án triển khai nhanh, ít phát sinh thì phần dự phòng này được chỉ ra chênh lệch. Về vấn đề thu phí, dựa trên quan điểm bảo vệ người dân, bộ phối hợp với địa phương, nhà đầu tư rà soát giảm phí tại 56 dự án BOT, có dự án giảm 2 - 3 lần.

Tiếp tục chất vấn về nội dung này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) cho rằng chính sách đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có hợp đồng BOT, còn bất cập là do thể chế chưa hoàn chỉnh; có sự lợi dụng chính sách trong thực hiện, gây bức xúc cho người dân và chưa giải quyết được 3 lợi ích căn bản của nhà đầu tư, Nhà nước, người dân. Giải pháp đưa ra hiện nay vẫn mang tính “ăn đong”, chưa căn cơ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước để thực hiện dự án, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an đang vào cuộc quyết liệt để xử lý. Còn về phía Bộ GTVT, bộ quán triệt việc này phải làm nghiêm túc, nếu phát hiện cán bộ sai phạm sẽ cương quyết xử lý.

Về những phản ứng của người dân với chủ đầu tư tại một số trạm BOT, ông Thể cho rằng do chưa hoàn thiện thể chế nên đã dẫn đến tâm tư của nhà đầu tư, bên cạnh đó là tranh chấp về đền bù, tái định cư… Để đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên, bộ sẽ quan tâm đặc biệt đến dự án BOT, nếu có vấn đề sẽ chỉ đạo nghiên cứu, xử lý ngay.

ĐB TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (TPHCM): "Cử tri là các doanh nghiệp trong và ngoài nước phản ánh một số địa phương có những doanh nghiệp được chỉ định thầu hoặc đấu thầu theo dàn xếp nên doanh nghiệp khác không cạnh tranh được. Đặc quyền đó làm cạnh tranh vô hiệu khiến dự án đội vốn khi triển khai. Bên cạnh đó, những dự án đổi đất lấy hạ tầng ở dự án BT (xây dựng - chuyển giao) có dấu hiệu thất thoát lớn. Quan điểm của bộ trưởng như thế nào?"

Bộ trưởng Bộ GTVT NGUYỄN VĂN THỂ: "Dự án BOT có 2 nhà đầu tư tham gia đều tổ chức đấu thầu và phải công khai thông tin. Tuy nhiên, cũng có những dự án chỉ 1 nhà đầu tư tham gia và căn cứ theo luật, bộ được quyền chỉ định thầu. Còn về đấu thầu, việc này được thực hiện theo Luật Đấu thầu với trình tự chặt chẽ và giám sát các bên. Về những dự án kéo dài, đội vốn gây lãng phí, nguyên nhân là do có một số nhà thầu trúng thầu nhiều dự án nhưng năng lực tài chính yếu kém khiến đội vốn".
Không đồng tình với trả lời của bộ trưởng, ĐB Hoàng Quang Hàm (tỉnh Phú Thọ) tranh luận: “Bộ trưởng nói xử lý các trạm BOT dựa trên lợi ích người dân nhưng tôi không đồng ý. Bức xúc của người dân hiện nay là ở 17 dự án BOT đặt sai vị trí, 3 dự án người dân không đi vẫn phải trả tiền, 6 dự án không đi đường tránh nhưng vẫn phải trả tiền. Giải pháp của bộ trưởng được hiểu là dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng… Đó là xử lý trên lợi ích của dân?”.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh, điều ông muốn bộ trưởng nói là hoàn thiện thể chế chứ không chỉ đưa ra những giải pháp chắp vá, thiếu căn cơ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, một số dự án nằm ngoài phạm vi là do lịch sử để lại, đã triển khai từ lâu. Chẳng hạn, có dự án được triển khai từ năm 2014 và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản tiếp tục thực hiện việc thu phí. Những dự án được duyệt đều có sự tham gia của chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan xem xét về tính hợp lý. Hiện nay, nếu di dời những trạm thu phí đó thì phải tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để có kinh phí thực hiện hợp đồng đã ký với nhà đầu tư.

Không hài lòng, ĐB Hoàng Quang Hàm cho rằng bộ trưởng giải thích do vấn đề lịch sử là không thuyết phục. Những dự án đó khi triển khai người dân có biết đâu!? Bộ đã thương thảo với nhà đầu tư để giảm định mức, ngân hàng giảm lãi suất chưa? Nay “vỡ lở” bắt dân chịu là chưa thỏa đáng.

Tranh luận lại, theo ĐB Nguyễn Thanh Hồng (tỉnh Bình Dương), có thể Bộ GTVT đối mặt với việc nhà đầu tư khởi kiện nên đưa ra các giải pháp giảm cước, kéo dài thời gian thu phí. Song, tư duy đó không thể chấp nhận.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư hoàn chỉnh dự án luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Còn hiện nay, việc thực hiện chưa được hoàn chỉnh do văn bản điều chỉnh chỉ ở cấp nghị định. Hy vọng sắp tới khi có luật, cơ chế, trách nhiệm sẽ được thực hiện căn cơ hơn.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện 88 dự án BOT đã có thông số đầy đủ trên website của bộ. Vừa qua, bộ đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ làm việc với nhà đầu tư để công khai tiếp các dự án BOT. Về việc tại sao dự án BOT quyết toán chưa xong vẫn thu phí, ông Thể cho biết dự án BOT có thời gian thu phí 15 - 20 năm, nhà đầu tư đã bỏ 100% vốn đầu tư nên không thể không cho thu phí vì sẽ phát sinh chi phí. Việc thu phí hiện nay “vẫn nằm trong thời gian thu phí”. Hiện bộ đang tích cực quyết toán để điều chỉnh chính thức. 

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể: Hiện bộ đang trình Chính phủ thay tên trạm thu phí BOT bằng tên mới đúng luật, phù hợp yêu cầu. Chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất báo cáo Chính phủ tên mới phù hợp thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Việc đổi tên trạm “thu giá” thành “thu phí” không cần nghiên cứu và trình. Tôi thấy cứ đổi, trả về tên cũ là được vì tên gọi này đã đúng bản chất.

Đường sắt cần được quan tâm hơn

Vấn đề khác được nhiều ĐB quan tâm là hạ tầng đường sắt. ĐB Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) đặt vấn đề về tình trạng đường sắt lạc hậu, dẫn tới tai nạn xảy ra liên tiếp vừa qua. “Phải chăng làm đường bộ thì dễ chia sẻ lợi ích hơn làm đường sắt?”, ĐB Quốc nêu câu hỏi.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nếu giao thông đường sắt phát triển tốt thì sẽ giảm tải cho đường bộ và không phải đầu tư nhiều tiền cho đường bộ Bắc - Nam như hiện nay. Ông Thể thừa nhận giao thông đường sắt hiện nay vô cùng lạc hậu, chưa có giải pháp nâng cấp để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và “xin nhận trách nhiệm của ngành trong tham mưu vấn đề này”.

Trước thực tế tai nạn đường sắt gia tăng, ông Thể cho biết hiện vẫn còn hơn 5.700 đường giao cắt trên toàn tuyến đường sắt, trong đó có hơn 1.500 đường giao cắt do Tổng công ty Đường sắt tổ chức có gác chắn, quản lý tương đối tốt; còn lại hơn 4.200 đường giao cắt dân sinh, nếu chấp hành giao thông không nghiêm sẽ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Hiện Bộ GTVT đang cùng địa phương tập trung xử lý để chấn chỉnh tình trạng trên.

Cũng theo người đứng đầu ngành giao thông, cách đây 8 năm, dự án đường sắt Bắc - Nam đã trình ra Quốc hội nhưng sau đó không được thông qua do nguồn huy động đầu tư quá lớn. “Nếu làm thì phải xây tuyến mới chứ không thể chắp vá trên đường hiện nay. Nếu Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ chỉ đạo sẽ tiến hành triển khai các dự án đường sắt mới”, ông Thể giải trình thêm.

Ngay lập tức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đồng ý dùng khoản dự phòng đầu tư công trung hạn 5 năm là 15.000 tỷ đồng để phát triển các dự án giao thông, trong đó có 7.000 tỷ đồng dành cho đầu tư đường sắt. Tuy nhiên, việc này cũng chậm và “bộ trưởng cần nhanh chóng chỉ đạo để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng:

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thanh tra, kiểm tra các công trình đầu tư xây dựng, xem việc chỉ định thầu, thực hiện có đúng quy định pháp luật, có sự thông đồng giữa nhà thầu, tư vấn?… Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát dự án BT đang triển khai xem có tuân thủ quy định của pháp luật hay không. Bên cạnh đó, là hoàn thiện quy định pháp luật liên quan theo hướng kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư, xác định giá trị quyền sử dụng đất…

Việc huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh đầu tư tư nguồn ngân sách còn hạn hẹp. Điều này đã thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông đất nước. Bên cạnh những dự án BOT hiệu quả, không ít dự án bộc lộ bất cập, chất lượng đầu tư thấp, phí cao, thời gian thu phí dài, vị trí chưa hợp lý, tạo phản ứng của người dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo lập lại trật tự đầu tư hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT như: yêu cầu Bộ GTVT rà soát, kiểm soát chất lượng công trình, xác định chi phí, thời gian thu phí; xử lý những bất cập về vị trí đặt trạm BOT, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là người sử dụng; xử lý các vi phạm tại dự án BOT…

Tin cùng chuyên mục