Giải quyết ùn tắc giao thông cửa ngõ phía Bắc TPHCM

Khu vực cửa ngõ phía Bắc TPHCM kết nối tỉnh Bình Dương và Đồng Nai với các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 13, quốc lộ 1K, luôn xảy ra ùn tắc xe cộ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Trong bối cảnh gia tăng kết nối vùng, việc sớm có phương án đầu tư nguồn lực mở rộng các tuyến đường cửa ngõ này là điều nên được quan tâm.

Thiếu phương tiện công cộng

Tuyến quốc lộ 13 nhiều năm qua luôn trong tình trạng đông nghẹt người và xe, nhất là đoạn qua địa bàn TP Thuận An (tỉnh Bình Dương), TP Thủ Đức (TPHCM) vì nhu cầu di chuyển qua lại của người dân giữa các địa phương rất lớn. Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày có khoảng 50.000 lượt phương tiện qua lại tuyến này.

Vào giờ cao điểm, lượng xe tăng đột biến đến cả trăm ngàn lượt. Đây là một trong những nguyên nhân làm ùn tắc giao thông, nhất là ở khu vực điểm giao cắt lớn như ngã tư Bình Phước (phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức), cầu Vĩnh Bình, giáp ranh TP Thuận An...

J5a.jpg
Quốc lộ 13 hướng từ tỉnh Bình Dương vào TPHCM đông đúc phương tiện, dù không phải giờ cao điểm. Ảnh: XUÂN TRUNG

Để góp phần giảm thiểu nguy cơ rủi ro tai nạn, người dân trông chờ vào các tuyến xe buýt, dù thực tế phương tiện công cộng này đang rất thiếu.

Chị Nguyễn Việt Trang (32 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: Tôi làm việc ở khu vực thành phố mới Bình Dương, khoảng cách từ nhà đến cơ quan không xa, nhưng hành trình di chuyển bằng xe cá nhân vô cùng vất vả, gần như ùn tắc từ nhà đến trung tâm TP Thủ Dầu Một, có ngày phải đi gần 2 tiếng mới tới công ty. Từ trung tâm TPHCM đến TP Thủ Dầu Một hiện chỉ có một tuyến buýt số 61-6, nhưng thời gian chờ khá lâu.

Xe cộ tập trung đông đúc khu vực cửa ngõ TPHCM, đoạn giáp ranh TP Thuận An.jpg
Xe cộ tập trung đông đúc khu vực cửa ngõ TPHCM, đoạn giáp ranh TP Thuận An

Tình hình trên cũng diễn ra tương tự trên quốc lộ 1K - tuyến huyết mạch kết nối TP Thủ Đức và TP Biên Hòa. Gần như chưa có xe buýt nào chạy suốt tuyến, khiến lượng xe cá nhân gia tăng, làm tình trạng kẹt xe giờ cao điểm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Chờ mở rộng đường

Để khắc phục tình trạng ùn tắc tại các điểm giao cắt lớn, ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã áp dụng nhiều phương án điều chỉnh trên tuyến quốc lộ 13. Đơn cử là việc phân luồng xe 2 bánh di chuyển hướng từ tỉnh Bình Dương đi ngã tư An Sương ở khu vực ngã tư Bình Phước, tránh việc lưu thông hỗn hợp, lộn xộn như trước.

Tại khu vực trạm thu phí BOT trên địa bàn phường Vĩnh Phú, ngành chức năng đã đặt các dải phân cách cứng điều tiết phương tiện lưu thông phía trước Công ty Tân Hiệp Phát..., phần nào khắc phục tình trạng ùn ứ phương tiện tại trạm thu phí Vĩnh Phú, dù chỉ là giải pháp tình thế. Do vậy, việc giải quyết lòng đường nhỏ hẹp là điều cấp bách, căn cơ.

Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 không chỉ mở rộng thông thương giữa TPHCM với Bình Dương và các tỉnh Đông Nam bộ, khu vực Tây Nguyên, mà còn là mơ ước của người dân các địa phương. Từ năm 2022, tỉnh Bình Dương đã khởi công dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường này từ 6 lên 8 làn xe - trước mắt thi công hướng từ TPHCM đi Bình Dương, đoạn qua địa bàn TP Thuận An, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Khu vực ngã tư Bình Phước, giáp ranh TP Thủ Đức và TP Thuận An luôn đông đúc phương tiện.jpg
Khu vực ngã tư Bình Phước, giáp ranh TP Thủ Đức và TP Thuận An luôn đông đúc phương tiện

TPHCM cũng đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đoạn qua địa bàn, sớm khơi thông tuyến đường huyết mạch phía Bắc vào trung tâm thành phố.

Đây là một trong 5 dự án BOT cửa ngõ đang được TPHCM triển khai theo cơ chế Nghị quyết 98/2023/QH15. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án sẽ được trình cấp thẩm quyền duyệt chủ trương đầu tư làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào quý 3-2025, dự kiến khởi công trong năm 2026 và hoàn thành vào năm 2028.

Người dân đang có nhiều băn khoăn khi dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đoạn qua địa bàn TP Thuận An, tỉnh Bình Dương hoàn thành sẽ có thêm 2 trạm thu phí BOT đặt ở khu vực cầu Vĩnh Bình và cầu Phú Long. Vị trí dự kiến này khá gần với các trạm hiện hữu và nâng tổng số trạm BOT trên tuyến quốc lộ 13 tại Bình Dương lên tới 4 trạm (cùng với 2 vị trí dự kiến là các trạm BOT Vĩnh Phú, BOT Suối Giữa, TP Thủ Dầu Một), trong khi khoảng cách chưa tới 40km.

Theo đại diện lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, các cơ quan chức năng tiếp tục lắng nghe ý kiến của các đơn vị, người dân và đang xin điều chỉnh lại nơi lắp đặt trạm thu phí phù hợp, thuận tiện cho quá trình di chuyển của người dân.

Tin cùng chuyên mục