Giải quyết vụ án có yếu tố nước ngoài - Vướng mắc vì ủy thác tư pháp

Bế tắc giải quyết án
Giải quyết vụ án có yếu tố nước ngoài - Vướng mắc vì ủy thác tư pháp

Để giải quyết vụ án có yếu tố nước ngoài, hoạt động ủy thác tư pháp ra nước ngoài là vấn đề quan trọng, có tính chất quyết định trong việc đưa vụ án ra xét xử, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy nhiều vụ án bị vướng mắc do việc thực hiện ủy thác tư pháp gặp nhiều khó khăn.

Nhiều vụ án dân sự đang bị vướng vì ủy thác tư pháp (trong ảnh là cảnh một phiên tòa dân sự).

Nhiều vụ án dân sự đang bị vướng vì ủy thác tư pháp (trong ảnh là cảnh một phiên tòa dân sự).

Bế tắc giải quyết án

Trước khi có Luật Tương trợ tư pháp, tình hình ủy thác tư pháp ra nước ngoài chỉ thuận lợi đối với những nước ký Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự với Việt Nam. Dù vậy, thời gian tính từ ngày phát hành văn bản ủy thác đến lúc nhận kết quả thường rất lâu, quá thời gian ấn định ngày mở phiên tòa xét xử vụ án.

Kể từ khi có Luật Tương trợ tư pháp (có hiệu lực từ ngày 1-7-2008), tình hình này vẫn không có gì tiến triển. Nhiều vấn đề liên quan đến ủy thác tư pháp vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên gây ách tắc, làm rối các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Việc không nhận được kết quả ủy thác tư pháp khiến công tác giải quyết vụ án bế tắc, dẫn đến tạm đình chỉ không thời hạn. Những trường hợp đã xét xử thì không thể chuyển được hồ sơ nếu có kháng cáo, kháng nghị, gây bức xúc gay gắt với đương sự ở trong nước vì kéo dài sự thiệt hại về quyền lợi của họ. Từ đó dẫn đến đương sự khiếu nại và cơ quan Nhà nước lại phải tốn thời gian, công sức giải quyết khiếu nại vốn không dừng ở một cấp.

Theo thẩm phán Trần Thị Hồng Việt, Chánh văn phòng Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM, qua thực tiễn hoạt động ủy thác tư pháp đã nổi lên nhiều vấn đề bất cập cần được hướng dẫn giải quyết như thực hiện ủy thác tống đạt văn bản, tài liệu; chi phí thực hiện ủy thác tư pháp... Để giải quyết tình trạng này, TAND TPHCM liên tục có những kiến nghị, đề ra các giải pháp tháo gỡ nhưng dường như những kiến nghị này không được các cơ quan có thẩm quyền xem xét thấu đáo. Mới đây, ngành TAND TPHCM lại tiếp tục có kiến nghị tháo gỡ những bất cập.

Những vấn đề cần sớm được gỡ rối

* Theo báo cáo của TAND TPHCM, số vụ án mà TP thụ lý hàng năm luôn tăng cao. Bình quân mỗi năm, TP thụ lý, giải quyết 42.000 vụ, trong đó số vụ án sơ thẩm có yếu tố nước ngoài bình quân là 3.700 vụ. Do vậy, việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài và nhận ủy thác từ nước ngoài đến Việt Nam hàng năm rất lớn, mỗi năm bình quân 1.500 lượt yêu cầu ra nước ngoài, chủ yếu là ủy thác tư pháp về dân sự, hôn nhân gia đình và kinh doanh thương mại.

Đối với một vụ án, sau khi thụ lý vụ án, tòa án ở Việt Nam có văn bản ủy thác đến tòa án có thẩm quyền ở nước ngoài để tống đạt thông báo thụ lý, ghi lời khai của đương sự về nội dung cần giải quyết của vụ án, triệu tập đến phiên tòa vào một ngày giờ đã ấn định, thông thường là 3 tháng sau ngày phát hành văn bản ủy thác.

Hết thời hạn 3 tháng không có kết quả, tòa án lại tiếp tục ủy thác những nội dung như lần thứ nhất và ấn định ngày mở phiên tòa sau 2 tháng kể từ ngày phát hành văn bản.

Sau 2 tháng không nhận được kết quả phản hồi, thời hạn chuẩn bị xét xử đã hết nên tòa án ra quyết định tạm đình chỉ, nếu không vụ này sẽ trở thành án quá hạn. Thực tế, trong thời hạn 5 tháng như trên, văn bản cần tống đạt chưa thể đến cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.

Về chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam ra nước ngoài, theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp, trong trường hợp Việt Nam yêu cầu, Việt Nam phải trả chi phí nhưng chi phí này được thực hiện như thế nào thì vẫn chưa có hướng dẫn. Có trường hợp, TAND TPHCM ủy thác đến Tòa án Phuket của Thái Lan tống đạt tài liệu thì nơi này yêu cầu nộp chi phí là 300 baht. Điều này dẫn đến vướng mắc vì không biết ai phải nộp, TAND TPHCM hay đương sự? Trong trường hợp đương sự đồng ý nộp chi phí tống đạt, việc thu nộp được thực hiện như thế nào cũng cần được hướng dẫn từ Bộ Tư pháp (là cơ quan đầu mối tiếp nhận ủy thác tư pháp).

Để việc giải quyết các vụ án đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các công dân, tránh tình trạng kéo dài việc giải quyết vụ án, hạn chế những mâu thuẫn phát sinh nơi người dân, những vấn đề bất cập trên cần được nhanh chóng tháo gỡ.

Gia Bảo

Tin cùng chuyên mục