Giảm chi đi nước ngoài

Tôi rất tán đồng những ý kiến của tác giả Lê Mạnh Tùng (Tân Bình, TPHCM) nêu trong bài viết “Chú trọng tạo nguồn thu để tăng lương tối thiểu” đăng trên Trang Nhịp cầu bạn đọc Báo SGGP ngày 26-10-2012. Theo tôi, cùng với việc tìm cách tạo nguồn thu, cần chú ý giảm chi đi nước ngoài không thật sự cần thiết.

Tôi rất tán đồng những ý kiến của tác giả Lê Mạnh Tùng (Tân Bình, TPHCM) nêu trong bài viết “Chú trọng tạo nguồn thu để tăng lương tối thiểu” đăng trên Trang Nhịp cầu bạn đọc Báo SGGP ngày 26-10-2012. Theo tôi, cùng với việc tìm cách tạo nguồn thu, cần chú ý giảm chi đi nước ngoài không thật sự cần thiết.

Hàng năm ngân sách nhà nước từ trung ương đến bộ, ngành, địa phương chi cho cán bộ công chức (CBCC) đi nước ngoài rất lớn. Do vậy, trong điều kiện ngân sách eo hẹp hiện nay, cần kiên quyết cắt giảm bớt các chuyến đi nước ngoài và giảm số người cùng đi trong từng chuyến.

Trong nhiều năm qua, bên cạnh những chuyến công tác nước ngoài mang lại hiệu quả thiết thực do quản lý tốt, cử CBCC đi đúng đối tượng, cũng không ít trường hợp được cử đi nước ngoài theo diện “tình thương mến thương”, được “đi cho biết” do thân tín với lãnh đạo, thậm chí được xem như ân huệ, đi nước ngoài bằng ngân sách nhưng chỉ để tham quan du lịch.

Thực tế thời gian qua có khá nhiều trường hợp CBCC đi công tác nước ngoài không quan tâm nghiên cứu, học tập mang lại hiệu quả gì cho ngành, địa phương, đơn vị, mà chỉ để tận dụng cơ hội mang hàng hóa từ nước ngoài về nước thông qua việc tận dụng chính sách miễn giảm thuế nơi cửa khẩu. Thậm chí nhiều người còn có thể “kiếm chác” được bộn tiền sau chuyến đi công tác nước ngoài nhờ thanh toán bất minh, kê thêm các dịch vụ, hay chênh lệch giá chi trả ở nước ngoài… bởi khó có thể kiểm tra được.

Điều đáng buồn là trong khi đất nước vẫn còn khó khăn, chậm phát triển trên nhiều lĩnh vực, không ít CBCC nhờ vị thế, thân thế, được đi nước ngoài nhiều lần, thậm chí rất nhiều lần bằng tiền ngân sách, mà chẳng mang lợi ích gì cho đất nước, bản thân họ cũng chẳng mở mang được kiến thức. Mà có khi những cái họ “tham quan, học tập” ở chốn ăn chơi và các khu du lịch nghỉ dưỡng mang về kể lại còn có hại cho suy nghĩ của những người chưa được đi.

Do vậy, cần mạnh dạn cắt bớt các chuyến đi, hoặc số người đi nước ngoài không thiết thực, để tiết kiệm ngân sách. Sẽ rất bất hợp lý khi dự kiến chưa thể tăng lương tối thiểu vào năm 2013 theo lộ trình đã được ấn định do nguồn thu ngân sách giảm sút, trong khi vẫn chi cho CBCC đi nước ngoài quá tốn kém. Việc tăng lương theo lộ trình là việc rất quan trọng để củng cố bộ máy, có ý nghĩa kích cầu tiêu dùng, giúp giải quyết hàng tồn động trong nước và cũng vừa giúp giải quyết phần nào nạn CBCC tiêu cực nhũng nhiễu.

NGUYỄN VĂN THƯỚC (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau)

Tin cùng chuyên mục