Sau nhiều lần giá xăng giảm, việc giảm giá dịch vụ và sản phẩm trở thành mệnh lệnh của thị trường. Ngày 25-12, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đã công bố sẽ giảm giá để hỗ trợ cho người tiêu dùng. Nói là làm, 10 giờ sáng cùng ngày, siêu thị Co.opMart Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh) đã thay các bảng giá cũ bằng các bảng giá mới với mức giảm từ 15% - 30%. Động thái tích cực này giúp cho mâm cơm của người lao động phong phú hơn với chi phí thấp.
Một tin vui khác: dự kiến trong thời gian gần, giá gas cũng giảm từ 35.000 - 40.000 đồng/bình 12kg. Nghe đâu, ngoài Co.opMart, các siêu thị khác cũng đang tính toán để giảm giá. Đó là tin tốt cho thị trường.
Thế nhưng, các dịch vụ và sản phẩm giảm giá còn quá ít ỏi so với thực tế đòi hỏi của người tiêu dùng. Sức mua của thị trường hiện nay vẫn còn khá thấp, nguyên nhân do giá cả chưa được điều chỉnh theo hướng giảm. Tiêu biểu nhất là lĩnh vực vận tải hàng hóa. Hiệp hội Vận tải hàng hóa cho rằng “giá cước tăng hay giảm tùy thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp vận tải và chủ hàng. Và thông thường việc điều chỉnh giá tăng hay giảm phụ thuộc vào hai bên ký hợp đồng”.
Còn tổng giám đốc một hãng taxi lớn ở TPHCM cho biết “đang xem xét các yếu tố chi phí đầu vào để điều chỉnh giá cước”. Điều kỳ lạ là trong các đợt giảm giá xăng trước đây, các vị này cũng “hứa hẹn” như vậy, và cho đến ngày 22-12, khi giá xăng giảm sâu kỷ lục, các vị cũng tiếp tục “hứa xem xét giá” như vậy (?!).
Tương tự, trong lúc các siêu thị rục rịch giảm giá, thì ngoài chợ, quán ăn… vẫn “kiên quyết giữ vững giá”. Bất hợp lý bởi lẽ khi giá xăng tăng, từ ly trà đá đến bó rau, con cá, giá cước vận tải…. không chờ “xem xét giá đầu vào” đã ùn ùn tăng giá đến chóng mặt. Khi giá xăng giảm sâu, mọi lý lẽ đều được viện dẫn để bảo vệ giá, như “đang tính toán cân đối thu chi” “giảm giá cũng có độ trễ”… Thậm chí có tiểu thương còn cho rằng “gần tết không lên giá thì thôi, mắc gì phải giảm?”.
Bên cạnh khái niệm “đạo đức người tiêu dùng”, giờ đây khách hàng đang đặt ra vấn đề: đạo đức kinh doanh ở đâu khi người kinh doanh chỉ biết “lên nhanh, xuống chậm”, chây lì giảm giá bằng những lý lẽ kém thuyết phục, bởi lẽ họ biết rằng “nán” thêm được ngày nào thì thêm lợi nhuận ngày ấy. Thị trường có quy luật của nó. Trong đợt giảm giá xăng trước đây, 80% nhà xe ở Bến xe miền Đông đã giảm giá cước từ 5% - 10%.
Mới đây, một công ty xe khách tên tuổi ở TPHCM cũng không ngần ngại tuyên bố từ ngày 10-1-2015 sẽ giảm 5.000 đồng/vé. Giảm là đúng và đó là đạo đức kinh doanh, bởi họ hiểu khách hàng là ân nhân, là người nuôi sống mình. Nếu doanh nghiệp nào cố tình “ngâm giá” trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khác giảm giá, cái giá mà họ phải trả chính là niềm tin sụt giảm trong ánh mắt khách hàng đối với thương hiệu của doanh nghiệp.
Việc điều chỉnh giá dựa vào sự “tự giác” của doanh nghiệp, tuy nhiên không thể không nói đến vai trò quan trọng của cơ quan quản lý giá. Quản lý, điều hành giá cho thị trường sữa là một bằng chứng. Đến một lúc nào đó, nếu các doanh nghiệp cố tình “dây dưa” không giảm giá, có lẽ sự can thiệp của cơ quan quản lý giá là cần thiết.
CÁT TƯỜNG