Bài “Giải quyết ùn tắc giao thông tại TPHCM - Phân quyền mạnh” của đại biểu HĐND TPHCM Lâm Thiếu Quân đăng trên Báo SGGP số ra ngày 22-10 đã nêu nhiều kiến nghị thiết thực, khả thi. Để góp phần giải quyết nạn ùn tắc giao thông, tôi xin được góp thêm vài ý kiến.
Tăng dân số cơ học quá nhanh là vấn đề nan giải của TPHCM hiện nay. Tốc độ phát triển đô thị của TPHCM đã kéo theo tốc độ phát triển dân số quá nóng, nên dù có phân luồng, mở đường bao nhiêu, nạn kẹt xe vẫn sẽ ngày càng trầm trọng hơn, đặc biệt là ở khu vực nội thành. Vấn đề cần đặt ra là giới hạn dân số TPHCM. Cùng với việc đón nhận người nhập cư theo Luật Cư trú, cần điều chỉnh nhập cư bằng những chính sách thiết thực và đúng pháp luật. Theo đó, chọn lọc ưu tiên cho những lao động nhập cư có trình độ cao, có thu nhập tốt; đồng thời, có chính sách nhập cư ưu đãi cho những doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, dịch vụ hay sản xuất phù hợp theo định hướng phát triển của TPHCM, đặc biệt là đầu tư vào địa bàn vùng ven. Muốn làm điều này, đòi hỏi phải tính toán, có lộ trình và chính sách thích hợp.
Vấn đề quy hoạch xây dựng cũng cần phải nghiêm túc. TPHCM đã có quy hoạch nhưng không hiểu vì sao các cao ốc, chung cư vẫn tiếp tục mọc lên tràn lan tại các quận nội thành, ngay cả tại khu vực trung tâm như quận 1, quận 3… Nhúc nhích chật vật trong dòng xe máy, ô tô ở vòng xoay Công trường Dân Chủ, người ta chợt giật mình khi thấy những chung cư nối tiếp nhau, cao ngất ở góc đường Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai mới mọc lên và chuẩn bị hoàn thiện để đón thêm hàng ngàn cư dân. Bên cạnh Trường Đại học Sư phạm trên đường An Dương Vương (quận 5) luôn nhộn nhịp đang có một công trường xây dựng chung cư cao tầng và rao bán ầm ĩ. Đường Nguyễn Văn Trỗi hướng ra sân bay lúc nào cũng kẹt xe, cũng đang mọc lên nhiều dự án căn hộ cao cấp. TPHCM thực hiện quy hoạch thế nào mà mật độ nhà ở, cao ốc chung cư cứ nối tiếp nhau mọc lên ở khu vực nội thành? Có thể nói, hệ số nén trên mỗi mét vuông đất của TPHCM đã quá lớn. Theo Sở Giao thông Vận tải, diện tích mặt đường TPHCM mỗi năm chỉ tăng 2% trong khi lượng xe tăng 10%. Nghĩa là bình quân mỗi ngày trên địa bàn TPHCM có thêm 1.000 xe máy và 100 ô tô đăng ký mới, ra đường chen chân với hơn 7 triệu xe máy và ô tô hiện hữu. Hướng ra cho bài toán này từng được nhiều chuyên gia góp ý: Nên phát triển các thành phố vệ tinh để giãn lượng người và xe. Trong bài viết của mình, tác giả Lâm Thiếu Quân đã chỉ ra: Hướng Bắc và Tây Bắc TPHCM đã xuất hiện kẹt xe với dòng người lũ lượt mỗi sáng vào làm việc tại trung tâm thành phố - đó là bằng chứng về tình trạng “thành phố tự phát”, nếu không sớm can thiệp, định hướng, cái giá phải trả sẽ rất lớn.
Một vấn đề khác đã được UBND TPHCM đặt ra từ nhiều năm nay, đó là việc di dời các trường đại học, nhà máy, bến xe… ra khỏi khu vực nội thành để giãn dân. Mấy năm gần đây, có thấy Nhà máy thuốc lá Sài Gòn đã dời ra Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, nhưng rồi tại nền đất của nhà máy cũ lại mọc lên nhiều bến xe cóc, bãi đậu xe tự phát. Rồi các trường đại học cũng tranh thủ thuê được mặt bằng là mọc lên chi nhánh này, phân hiệu kia, bất chấp địa điểm ở ngay giao lộ, không có chỗ để xe, nên gây ra kẹt xe thêm. Có một trung tâm ngoại ngữ tổ chức hoạt động quy mô lớn mở nhiều cơ sở, nhưng điều lạ lùng là các cơ sở đều chọn vị trí ngay các giao lộ lớn mà vẫn được cấp phép hoạt động, khiến giao thông tắc nghẽn vào giờ tan học.
Để giải quyết nạn kẹt xe, bên cạnh những giải pháp trước mắt như điều chỉnh luồng giao thông, xén bớt vỉa hè để mở rộng lòng đường, tăng xe buýt, giảm xe 2 bánh…, TPHCM cần thực thi đồng bộ những giải pháp lâu dài nêu trên.
LƯU NGUYỄN (quận 5, TPHCM)