Giám sát việc chi ngân sách bồi thường

Mấy hôm rồi, dư luận đặc biệt quan tâm thông tin về việc ông Nguyễn Thanh Chấn (người bị tù oan hơn 10 năm) sẽ được bồi thường 7,2 tỷ đồng. Tôi rất đồng tình quan điểm của bài “

Mấy hôm rồi, dư luận đặc biệt quan tâm thông tin về việc ông Nguyễn Thanh Chấn (người bị tù oan hơn 10 năm) sẽ được bồi thường 7,2 tỷ đồng. Tôi rất đồng tình quan điểm của bài “Đừng đổ thêm “oan” cho dân” đăng trên báo SGGP ngày 8-6, không chỉ trả lại công bằng cho những người bị oan sai, mà còn phải công bằng cho những người dân khác, khi một khoản tiền thuế không nhỏ của dân phải dùng để bồi thường cho những án oan sai. Xin bàn thêm thấu đáo về việc này.

Rõ ràng việc nghiêm túc thực thi Luật Trách nhiệm bồi thường (ban hành năm 2009) là sự thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của Nhà nước, nghiêm túc bồi thường cho những cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án. Trước đây, có tình trạng người thi hành công vụ và các cơ quan quyền lực khi làm sai, gây thiệt hại cho người dân, lại không nghiêm túc nhận lỗi vì cố chấp, vì để né tránh trách nhiệm bồi thường và vì ngại ảnh hưởng đến thành tích. Từ khi có Luật Trách nhiệm bồi thường, việc Nhà nước phải đứng ra bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án, trở thành một nguyên tắc bảo đảm sự công bằng cho người dân, đồng thời ràng buộc hơn về trách nhiệm của người thi hành công vụ và cơ quan quyền lực. Theo luật này, “Kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương và địa phương. Hàng năm, căn cứ thực tế bồi thường của năm trước, cơ quan tài chính các cấp phối hợp với cơ quan, đơn vị cùng cấp lập dự toán kinh phí bồi thường để tổng hợp vào dự toán ngân sách cấp mình, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và được phân bổ cho cơ quan, đơn vị khi có yêu cầu chi trả tiền bồi thường”. Như vậy, có thể xem đây là khoản chi cho những rủi ro, “tai nạn” khó tránh.

Ở nhiều nước, chi phí cho việc bồi thường cũng được sử dụng từ ngân sách, bởi nếu quy định buộc người thi hành công vụ phải bồi thường sẽ tạo ra sức ép khi họ thi hành công vụ. Thực tế những yếu kém, sai sót vô ý hay cố ý của người thi hành công vụ là do sự lỏng lẻo trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm và quản lý cán bộ, đưa những người không xứng đáng vào bộ máy và giao việc cho người không đủ trình độ, uy tín, phẩm chất. Do vậy, Nhà nước không thể chối bỏ trách nhiệm của mình về việc bồi thường những thiệt hại do người thừa hành công vụ gây ra. Còn về trách nhiệm của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại, sẽ xử lý bằng các biện pháp về tổ chức cho đến xử lý pháp luật.

Vấn đề ở đây là làm gì để hạn chế tối đa những sai sót trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án để hạn chế thiệt hại cho dân, hạn chế tốn hao ngân sách chi bồi thường? Trên cơ sở phân tích như trên, dễ thấy gốc của vấn đề vẫn là công tác cán bộ: dùng người, phân công, quản lý, giám sát, kỷ luật, kỷ cương. Trong việc đổi mới công tác cán bộ, cần đặc biệt quan tâm đào tạo, chuẩn hóa cán bộ, không bố trí cán bộ không am tường chuyên môn, không đáp ứng được yêu cầu chuyên ngành phụ trách. Cơ chế giám sát phải thật chặt chẽ. Khi Quốc hội và HĐND các tỉnh - thành quan tâm giám sát chi ngân sách cho việc thực hiện trách nhiệm bồi thường, sẽ không để xảy ra tình trạng trì trệ, dây dưa việc bồi thường cho người bị thiệt hại, đồng thời chỉ ra được những ngành nào, địa phương nào đã quá yếu kém trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án, dẫn đến nhiều vụ việc gây thiệt hại cho dân để phải bồi thường. Như vậy sẽ có cơ sở để nghiêm túc xem xét trách nhiệm, phân công lại cán bộ, đổi mới cơ chế quản lý giám sát, hạn chế những vụ sai sót, oan sai và không để xảy ra tiêu cực, bất hợp lý trong việc chi ngân sách bồi thường.

NGUYỄN MINH THANH

Tin cùng chuyên mục