Báo SGGP đã nhiều lần phản ánh về những khuất tất trong việc mua nhà theo Nghị định 61/CP ở một số quận huyện ở TPHCM. Có trường hợp định cư ở nước ngoài vẫn mua được nhà 61 (quận Tân Bình), trong vài năm mua đến 2 căn nhà 61 (quận 9), còn thiếu đến 120 tháng tiền nhà nhưng Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP vẫn cấp giấy chứng nhận (quận 7)… Còn rất nhiều trường hợp khác gặp khó khăn, vướng mắc khi mua nhà theo Nghị định 61. Dẫn chứng cụ thể hai trong nhiều trường hợp dưới đây...
Để mua được nhà theo Nghị định (NĐ) 61/CP, người mua phải hoàn tất các bước thủ tục gồm: Điền đầy đủ các mẫu đơn xin mua nhà, làm cam kết chưa hưởng chính sách nhà đất, nộp hồ sơ tại công ty quản lý nhà quận huyện, làm nghĩa vụ tài chính rồi chờ 60 ngày là có kết quả nếu hồ sơ hợp lệ. Quy định là vậy nhưng thực tế, người dân thường phải trải qua một hành trình rất gian nan.
Ông Lê Đình Nam, chủ hộ 6/13, cư xá Nguyễn Siêu, quận 1, đại diện gần 60 hộ dân đang làm thủ tục mua nhà theo NĐ61/CP tại cư xá trên kể: “Chúng tôi đã gửi đơn khắp nơi, yêu cầu được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục nhưng các đơn vị liên quan cứ trả lời nhát gừng hoặc im lặng. Căn cứ vào các quy định hiện hành, chúng tôi đủ điều kiện để được mua nhà theo NĐ61. Song, vì đơn vị tự quản cư xá số 4-6 Nguyễn Siêu là Công ty Điện lực 2 vẫn chưa chuyển giao khu đất để xác lập sở hữu nhà nước, nên việc hóa giá nhà cũng giậm chân tại chỗ nhiều năm trời.
Mãi đến tháng 9-2007, đơn xét xin được mua hóa giá nhà của tập thể các hộ dân cư xá số 4-6 Nguyễn Siêu đến văn phòng UBND TPHCM. UBND TP chỉ đạo và Sở Xây dựng đã có công văn đề nghị Công ty Điện lực 2 lập thủ tục chuyển giao cư xá nói trên cho ngành nhà đất quản lý. Từ đó đến nay, người dân chờ mãi mà không biết khi nào mới được hợp thức hóa giấy tờ nhà. Trong khi đó, Công ty Điện lực 2 không phải là chủ sở hữu khu đất này, vậy tại sao không chuyển giao TP để TP xét bán theo đúng tinh thần NĐ61?”.
Hiện TPHCM quản lý 18.350 căn nhà thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có gần 9.500 căn nhà phố, hơn 7.730 căn hộ chung cư và 1.115 nhà biệt thự. Có 3.200 căn đủ điều kiện để bán theo NĐ 61 và sẽ chấm dứt việc bán nhà vào cuối năm 2010. |
50 hộ dân tại khu tập thể 143A Ung Văn Khiêm, phường 25 quận Bình Thạnh cũng cùng bức xúc như trên.
Đại diện các hộ dân, ông Lê Thanh Hiền cho biết: Khu tập thể của CBCNV Công ty Công trình đường sắt 3 được hình thành từ năm 1980, thuộc diện sở hữu nhà nước. Từ năm 2000, Sở Địa chính - Nhà đất đã có văn bản yêu cầu Công ty Công trình đường sắt 3 chuyển giao khu nhà 143A Ung Văn Khiêm cho ngành tài chính quản lý để TP tiếp nhận vào quỹ nhà TP.
Đến ngày 8-1-2007, Công ty Công trình đường sắt 3 mới làm xong thủ tục bàn giao số đất trên cho TP. Tiếp tục chờ nữa, đến ngày 9-3-2007, Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh chính thức tiếp nhận, quản lý và làm thủ tục về nhà đất khu tập thể 143A.
Tháng 6-2007, Công ty Dịch vụ công ích quận tiếp nhận hồ sơ và ký hợp đồng thuê nhà, nhận hồ sơ xin mua nhà theo NĐ61 cho các hộ trên. Bất ngờ, cũng trong năm này, Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh bác đơn xin hóa giá nhà với lý do: Các hộ trên phần lớn nằm trong ranh thu hồi đất theo Quyết định số 1556/QĐ-UB ngày 10-4-2002 của UBND TPHCM!
Trao đổi với chúng tôi, ông Hiền bức xúc: Quyết định thu hồi đất số 1556/QĐ-UB để thực hiện dự án BOT cầu, đường Bình Triệu 2 đến nay đã quá 8 năm. Theo điều 29 khoản 3, Luật Đất đai năm 2003 có quy định: “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm không được thực hiện theo kế hoạch thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và công bố”.
Ngoài ra, các Quyết định 1423/QĐ-UBND ngày 31-3-2008 về điều chỉnh Quyết định 1556 của UBND TP, quyết định thu hồi bổ sung phần diện tích tại phường 26 để giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án cầu Bình Triệu 2 chỉ là quyết định thu hồi mang tính chất chung của toàn bộ dự án, còn quyết định thu hồi đất của từng hộ thì chưa có. Vì vậy, phải căn cứ vào ranh giải tỏa. Mà hiện nay ranh giải tỏa hình thù thế nào, căn cứ vào quy định nào thì không người dân nào ở đây được biết.
“Chúng tôi lên xuống nhiều lần hỏi Công ty Dịch vụ công ích quận cũng không giải thích được. Hiện nay, người dân khu tập thể 143A nằm trong tình trạng muốn mua nhà thì không mua được, muốn được giải tỏa theo dự án cũng không xong. Nếu sau này hết hạn mua nhà mà hồ sơ chúng tôi lại đáp ứng yêu cầu thì thiệt hại này chúng tôi phải chịu sao?” - ông Hiền chua xót.
HỒNG HIỆP