Học sinh bỏ học

Trách nhiệm của cơ sở (?)

Tỷ lệ học sinh bỏ học không có gì bất thường!

Ngày 12-3, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã họp báo về tình hình học sinh bỏ học thời gian qua, sau khi hàng loạt báo chí lên tiếng bức xúc trước thực trạng này. Theo Bộ GD-ĐT, tại thời điểm cuối học kỳ I năm học 2007-2008, tuy có xấp xỉ 13.000 học sinh tiểu học và 106.224 học sinh trung học bỏ học nhưng tình trạng này không có gì bất thường so với các năm trước (?).

Tỷ lệ học sinh bỏ học không có gì bất thường!

Theo ông Lê Tiến Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (GDTH) Bộ GD-ĐT, tại thời điểm cuối học kỳ I năm học 2007-2008 có xấp xỉ 13.000 học sinh tiểu học bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,19%. Trong đó, có 29 tỉnh, TP gần như không có học sinh bỏ học (chiếm tỷ lệ 0% như Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội…); 29 tỉnh có tỷ lệ học sinh bỏ học 0,05%-0,65%; 5 tỉnh tỷ lệ học sinh bỏ học 0,95%-2% và cá biệt, tỉnh Kiên Giang có tỷ lệ học sinh bỏ học lên tới 5,2%. Ông Lê Tiến Thành khẳng định, với những con số này, tình trạng học sinh bỏ học tại thời điểm cuối học kỳ I năm học 2007-2008 không có gì bất thường so với các năm trước.

Tuy nhiên tỷ lệ học sinh bỏ học ở các vùng miền không đồng đều - các tỉnh Tây Bắc, Tây Nam bộ, Tây Nguyên có tỷ lệ cao hơn nhưng ngay ở khu vực này cũng có những tỉnh có tỷ lệ học sinh bỏ học thấp như Hậu Giang, Tiền Giang, Lào Cai, Hòa Bình… Nguyên nhân chính của tình trạng này đã được Vụ GDTH chỉ ra bao gồm: học lực yếu kém do vốn tiếng Việt yếu kém (đặc biệt là học sinh lớp 1 người dân tộc thiểu số). Nhưng quan trọng hơn, do nội dung chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) còn có chỗ chưa thật phù hợp và hấp dẫn đối với học sinh dân tộc thiểu số trong khi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên còn hạn chế, phương pháp dạy học chưa linh hoạt.

Tuy số học sinh bỏ học ở hai cấp THCS và THPT cao hơn rất nhiều so với bậc tiểu học với 106.224 trường hợp (tại thời điểm cuối học kỳ I năm học 2007-2008), trong đó có tới 19 tỉnh, thành phố có tỷ lệï học sinh bỏ học cao hơn mức bình quân chung của cả nước (1,2%), nhưng ông Nguyễn Hải Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (GDTrH), một mực khẳng định, tỷ lệ học sinh bỏ học của cả nước trong học kỳ I vừa qua không bất bình thường so với các năm trước đó. Cuối năm học và trong hè có thể có thêm một số học sinh bỏ học, song sẽ không có đột biến. Trong 5 nguyên nhân mà Vụ GDTrH chỉ ra cho thấy, học sinh bỏ học hoàn toàn do nguyên nhân khách quan như: điều kiện kinh tế khó khăn của địa phương và gia đình; nhiều em trong độ tuổi lao động phải vừa học vừa tham gia lao động trợ giúp gia đình nên không theo kịp chương trình; cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục… Và ông Nguyễn Hải Châu cũng cho rằng, việc ngăn chặn học sinh bỏ học là trách nhiệm của cơ sở, Bộ GD-ĐT không làm việc đó (?!).

Đánh giá lại chương trình và sách giáo khoa

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận, mỗi học sinh bỏ học là một nỗi đau, nhưng cũng như các hiện tượng xã hội khác, bao giờ cũng có một tỷ lệ rơi rớt nhất định nên việc các em bỏ học cũng không thể tách rời khỏi các vấn đề của giáo dục. Trước dư luận cho rằng, hiện tượng học sinh bỏ học gắn liền với thực trạng chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) đang quá tải, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Năm nay là năm cuối cùng tiến hành thay SGK lớp 12 và sau đó, bộ sẽ tiến hành đánh giá sự phù hợp của CT, SGK của mọi cấp học với sự tham gia của các nhà khoa học để có điều chỉnh cụ thể. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Châu cho rằng, CT, SGK hiện hành có thể chưa thật sự phù hợp với những học sinh vùng khó khăn; đặc biệt là những học sinh vùng dân tộc thiểu số đã bị hổng kiến thức từ bậc tiểu học.

Mặc dù cho rằng, hiện tượng học sinh bỏ học không có gì bất thường, nhưng ông Lê Tiến Thành cũng cho biết: ở bậc tiểu học, bộ sẽ biên soạn lại tài liệu dạy học phù hợp với đối tượng học sinh khó khăn. Đối với học sinh có khó khăn trong học tập, tập trung giảng dạy hai môn: Toán và Tiếng Việt với nội dung tinh giản, thiết thực, cơ bản. Bộ GD-ĐT cũng đang tính tới phương án xây dựng chương trình tiểu học 6 năm đối với học sinh vùng khó khăn nhằm giãn chương trình lớp 1 thành 2 năm cho học sinh dân tộc để các em vững về tiếng Việt và phát triển thêm về thể chất.

Việt Lan

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, tình trạng trẻ em ồ ạt bỏ học chủ yếu là do thiếu chăm sóc, phối hợp của các địa phương. Để đánh giá hiện tượng này đang được cải thiện hay xấu đi thì cần phải có số liệu thực tế. Ví dụ, năm học 2003-2004, cả nước có 580.000 em bỏ học, năm học 2005-2006, con số này là 600.000 em (khoảng 6%). Học kỳ một năm học này có trên 100.000 em bỏ học thì cũng chưa đủ thông tin đánh giá là tình trạng này xấu đi hay tốt hơn. Nhưng về tổng thể thì tốt hơn bởi qua một năm thực hiện “Hai không”, ngành chỉ đạo các trường làm tương đối quyết liệt bồi dưỡng học sinh yếu kém ngay từ đầu năm học.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, Thủ tướng vừa ký chương trình kiên cố hóa trường lớp từ nay đến 2012 với tổng đầu tư là 25.200 tỷ đồng. Theo đó, khi Nhà nước đầu tư về trường thì các tỉnh sẽ có kinh phí dành cho thiết bị dạy học, chất lượng giáo dục từ đó được nâng cao.

Tin cùng chuyên mục