Theo một nghiên cứu gần đây của Ford với các lái xe tại Việt Nam, việc liên tục sử dụng điện thoại di động đã khiến các bạn trẻ dễ dàng mất tập trung khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Thực trạng đáng báo động
Nghiên cứu cho thấy, 82% các bậc phụ huynh và hơn 87% giới trẻ tại Việt Nam thừa nhận rằng, bản thân hoặc người quen của mình đã từng gặp phải tai nạn giao thông do mất tập trung khi đang lái xe. Nữ giới là đối tượng có tần suất sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông lớn nhất với 49% trong số họ không sử dụng các thiết bị kết nối rảnh tay, 31% sử dụng mạng xã hội và 33% thường xuyên bị xao nhãng bởi người đi đường.
Cynthia Williams, Giám đốc-Kỹ sư về An toàn, Môi trường và Phát triển Bền vững của Ford khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho biết: “Ford cam kết sẽ hỗ trợ giáo dục nâng cao nhận thức và kỹ năng lái xe an toàn cho người lái trong khu vực. Điện thoại di động không chỉ gây xao nhãng, chúng thực sự là mối đe dọa đối với sự an toàn của người lái xe khi tham gia giao thông”.
“Tình trạng mất tập trung khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Việt Nam. Cuộc khảo sát này đã phần nào chỉ ra thói quen tham gia giao thông của những người lái xe tại Việt Nam. Ford luôn chú trọng và quan tâm đến các vấn đề về an toàn cho người lái. Tôi hy vọng những kết quả khảo sát này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của việc xao lãng khi lái xe và đem lại một sự thay đổi đáng kể tới cộng đồng” - Ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam chia sẻ.
Chứng nghiện điện thoại di động
Không có gì đáng ngạc nhiên khi theo kết quả của cuộc khảo sát, điện thoại di động là nguyên nhân hàng đầu gây xao nhãng cho người tham gia giao thông. Những nguyên nhân tiếp theo lần lượt là “Những người tham gia giao thông khác” và “Trang điểm”.
Có tới 38% lái xe tại Việt Nam thừa nhận rằng không thể từ bỏ thói quen sử dụng điện thoại di động kể cả khi đang cầm lái. Trong số những người sử dụng điện thoại khi đang lái xe, 61% người lái xe dùng để gọi điện thoại cho bạn bè và người thân, 57% để nhận các cuộc gọi và email liên quan đến công việc và 46% để giết thời gian khi tắc đường hoặc dừng chờ đèn đỏ. Sự buồn chán cũng được coi là một nguyên nhân chủ chốt gây ra tình trạng này, 17% số người được khảo sát thừa nhận họ chỉ sử dụng điện thoại vì “quá chán và chẳng có việc gì khác để làm”.
Dự án giúp người lái xe tập trung hơn
Ford đang đầu tư phát triển nhiều công nghệ hiện đại và tiên tiến giúp giảm thiểu sự mất tập trung gây ra bởi điện thoại di động. SYNC 3-hệ thống kết nối trên xe hơi của Ford-sẽ cho phép người lái nhận các cuộc gọi, nhắn tin, nghe nhạc và khởi động các ứng dụng hỗ trợ mà không gây xao nhãng khi tham gia giao thông. Bước sang năm thứ 10, chương trình “Hướng dẫn Lái xe An toàn và Thân thiện với Môi trường” (DSFL) đã đào tạo kỹ năng lái xe miễn phí cho các lái xe tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đối tượng của chương trình bao gồm học sinh, sinh viên, phụ nữ, các lái xe Uber và những người nông dân. Năm nay, chương trình sẽ được triển khai tại 11 khu vực tại châu Á-Thái Bình Dương, mở rộng hơn 2 khu vực so với năm ngoái, và sẽ chú trọng đào tạo các kỹ năng giúp người lái xe tham gia giao thông tập trung và cẩn trọng hơn. Tại Việt Nam, chương trình DSFL đã đào tạo hơn 13.000 học viên tại 14 tỉnh thành phố trên cả nước kể từ năm 2009.
“Ngày nay, ai cũng muốn kết nối với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, kể cả khi đang tham gia giao thông. Đây chính là cơ hội để các công nghệ thông minh thể hiện tính hữu ích của mình, giúp lái xe kết nối với những người xung quanh nhưng vẫn giữ được sự tập trung cần thiết khi cầm lái. Với việc phát triển các công nghệ hỗ trợ người lái và tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng lái xe, Ford không ngừng đề cao vai trò của thói quen lái xe có trách nhiệm để góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn hơn” - Williams chia sẻ.