Đảo ngọc Phú Quốc phải thật sự trở thành một thương hiệu quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh, là điểm sáng trong chuỗi các đảo du lịch nổi tiếng ở khu vực và trên thế giới.
Việc thành lập TP đảo Phú Quốc đã được chuẩn bị nhiều năm trước, từ tạo nền tảng hạ tầng, nội lực, tăng cường thu hút đầu tư. Đề án phát triển tổng thể Phú Quốc xác định mục tiêu đưa đảo ngọc trở thành “trung tâm du lịch sinh thái biển đảo; trung tâm giao lưu, thương mại, dịch vụ chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế; có vị trí quan trọng về mặt an ninh, quốc phòng”.
Việc thành lập TP Phú Quốc chính là bước hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu phát triển đảo ngọc và trên thực tế TP đảo này đã có bước phát triển vượt bậc.
10 năm qua, đặc biệt là 5 năm gần đây, Phú Quốc có tốc độ thu hút đầu tư, tăng trưởng GDP, tăng trưởng ngành du lịch hàng đầu các huyện đảo cả nước, được xếp vào nhóm thị trường du lịch sôi động bậc nhất Việt Nam.
Nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là các thương hiệu đầu tư du lịch nổi tiếng đã có mặt trên đảo, chưa kể nhiều người giàu có ở Hà Nội, TPHCM và các nơi đang đổ tiền vào đầu tư ở đảo ngọc.
Tuy nhiên, TP đảo cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Nổi lên là thách thức năng lực quản lý đất đai, đô thị, trật tự; thách thức về đảm bảo môi trường sống, môi trường văn hóa an toàn, văn minh, đáp ứng kỳ vọng người dân; thách thức về nguồn nhân lực, năng lực sáng tạo, định hình cơ chế, chính sách vượt trội để thu hút đầu tư, tạo ra nguồn lực phát triển đảo. Pháp luật hiện hành chỉ xác định mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn mà không có chính quyền “thành phố đảo”.
Việc thành lập TP đảo đầu tiên của cả nước, việc chuyển từ huyện lên thành phố là bước khởi đầu cho một giai đoạn mới, đòi hỏi nhiều sáng tạo hơn. Kỳ vọng mới, cho một giai đoạn phát triển mới, của một TP đảo đầu tiên, độc đáo chưa có tiền lệ như Phú Quốc cũng là một thách thức trên bước đường đi tới.
Thực tiễn đang đòi hỏi, cùng với việc đầu tư, phát triển đảo ngọc, cần có tầm nhìn, chiến lược và bước đi cụ thể cho việc xây dựng thương hiệu đảo ngọc, để hòn đảo này mang lại những giá trị sáng tạo nhiều hơn. Yêu cầu xây dựng và phát triển thương hiệu biển “đảo ngọc” với đặc thù biển đảo độc đáo, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, gắn với các doanh nghiệp mạnh, uy tín, “trách nhiệm công” của chính quyền, yêu cầu liên kết, hợp tác đang là đòi hỏi cần tư duy, tầm nhìn, chiến lược, hoạch định hệ thống cơ chế, chính sách và nỗ lực thực thi hiệu quả.
Cần định danh rõ từng “thương hiệu con” trong thương hiệu chung của đảo ngọc, gắn với trách nhiệm đối với thương hiệu đó của doanh nghiệp và địa phương. Bên cạnh các “thương hiệu con” như nước mắm Phú Quốc, ngọc trai Phú Quốc, ẩm thực Phú Quốc… thì thương hiệu đảo ngọc Phú Quốc là cách tiếp cận chung, cần thiết và hiệu quả. Phát triển thương hiệu biển đảo ngọc Phú Quốc cần sự vào cuộc phối hợp nhiều bộ ngành liên quan, các giải pháp phải đồng bộ, từ hoạch định chính sách, đầu tư phát triển, nỗ lực của chính quyền đến doanh nghiệp và người dân… để cùng xây dựng hình ảnh, tăng cường nhận biết về Phú Quốc trên thị trường trong nước và thế giới.
Giữ gìn và phát triển thương hiệu đảo ngọc Phú Quốc là cần, chiếc áo pháp lý “thành phố đảo” là rất cần, nhưng điều quan trọng là những giá trị tạo ra từ thương hiệu và khi mặc vào cho đảo ngọc chiếc áo mới phải tạo chuyển biến thật sự, hướng đến tương lai bền vững, đang là mối quan tâm của nhiều người.