Giúp người dân thực thi đúng quyền khiếu kiện

Đã hơn 10 năm nay, Báo SGGP tổ chức mời các luật sư đến trực tại Phòng tiếp bạn đọc của báo để trực tiếp tư vấn, giải đáp cho bạn đọc về pháp lý và các vấn đề liên quan đến việc khiếu kiện. Hoạt động này được duy trì thành nề nếp thường xuyên vào chiều thứ ba, chiều thứ năm và sáng thứ bảy hàng tuần, hoàn toàn miễn phí.
Giúp người dân thực thi đúng quyền khiếu kiện

Đã hơn 10 năm nay, Báo SGGP tổ chức mời các luật sư đến trực tại Phòng tiếp bạn đọc của báo để trực tiếp tư vấn, giải đáp cho bạn đọc về pháp lý và các vấn đề liên quan đến việc khiếu kiện. Hoạt động này được duy trì thành nề nếp thường xuyên vào chiều thứ ba, chiều thứ năm và sáng thứ bảy hàng tuần, hoàn toàn miễn phí.

Người dân tìm đến phòng tiếp bạn đọc Báo SGGP gặp luật sư để được tư vấn pháp lý miễn phí

Sự tư vấn tin cậy

Nhiều người dân khi gặp vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đã rất lúng túng, e ngại, không biết nên ứng phó thế nào cho đúng quy định pháp luật. Lỡ gặp phải các “cò khiếu kiện” thì họ bị chỉ vẽ lung tung, rồi gửi đơn khắp nơi, tiền mất mà vụ việc chẳng giải quyết được. Vì thế khi biết Báo SGGP có hoạt động luật sư tư vấn pháp lý miễn phí, người dân rất vui mừng và tin cậy tìm đến, được các luật sư tiếp ân cần, lắng nghe trình bày vụ việc, phân tích cặn kẽ để biết được đúng sai theo quy định pháp luật, hướng dẫn nên thực hiện thủ tục gì, gửi đơn ở đâu và tư vấn cho người dân hành xử đúng pháp luật, phù hợp đạo lý xã hội.

Ông Trần Thông (ở phường 11, quận 5, TPHCM) tìm đến Phòng tiếp bạn đọc Báo SGGP gặp luật sư với nỗi bức xúc đã canh cánh từ lâu. Bên cạnh nhà ông có cơ sở sản xuất đồ nhựa ngay trong khu dân cư, gây ồn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống cư dân xung quanh. Không những thế, họ còn đặt máy lạnh công suất lớn quay cục nóng ra phía ngoài, khiến các nhà dân lân cận phải chịu đựng hơi nóng và khí ô nhiễm. Ông Trần Thông trình bày để nhờ luật sư tư vấn nên kêu cứu cách nào, gửi đơn ở đâu. Luật sư Trần Đình Phúc đã phân tích cho ông Trần Thông rõ cơ sở đó vi phạm thế nào, tư vấn ông tìm đến đúng cơ quan chức năng để gửi đơn yêu cầu giải quyết. Bà Trịnh Thị Tuyết Lan (ở phường 1, quận 6) đến gặp luật sư để mong tháo gỡ được chuyện rắc rối mà gia đình đang gặp phải trong việc phân chia di sản thừa kế (khoản tiền bồi thường hỗ trợ nhà đất) cho các thành viên trong gia đình. Nghe trình bày xong, luật sư Phan Đức Linh đã ân cần hướng dẫn gỡ rối. Những quy định pháp luật về phân chia di sản đã rõ, nhưng không phải người dân nào nghe một lần cũng hiểu. Do vậy, luật sư phải giải thích lại nhiều lần, rồi bà Tuyết Lan cũng thông hiểu. Bà Tuyết Lan còn được luật sư hướng dẫn thủ tục khởi kiện và liên hệ với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận để được xử lý.

Góp phần đưa việc khiếu kiện vào nề nếp

Hiện nay, Báo SGGP hợp đồng với Văn phòng Luật sư Phan Trung Hoài và Văn phòng Luật sư Phạm Quốc Hưng (Đoàn Luật sư TPHCM) để bố trí luật sư trực tiếp tư vấn pháp lý cho bạn đọc. Ngoài ra, Báo SGGP còn nhận được sự cộng tác của Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam viết bài tư vấn pháp luật cho bạn đọc trên mặt báo. Các luật sư tham gia chủ yếu với ý thức trách nhiệm nghề nghiệp. Tham gia trực ở Phòng tiếp bạn đọc Báo SGGP, luật sư Phạm Quang Hiệp cho biết: “Không chỉ người dân TPHCM tìm đến, mà còn có không ít người dân từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Dù lịch trực chỉ đến 4 giờ chiều, nhưng nhiều buổi tư vấn kéo dài đến 5 - 6 giờ chiều. Bận nhưng chúng tôi thấy vui vì việc làm của mình thực sự cần thiết và có ý nghĩa với người dân”.

Chứng kiến những buổi tư vấn mới thấy việc “làm dâu trăm họ” cũng nhiều vất vả. Vào đầu giờ, anh Nguyễn Văn Hòa  (ở phường 1, quận 8, TPHCM) đến đề nghị được tư vấn về hòa giải tranh chấp thừa kế di sản.  Tiếp đó, bà Trần Thị Kim (ở phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM) xin được tư vấn về khiếu nại giám đốc thẩm. Đã hết giờ trực, lại có anh Lưu Văn Vui và chị Trần Ngọc Diệu (từ xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) đi xe khách lên TPHCM tìm đến trụ sở Báo SGGP để nhờ luật sư hướng dẫn, tư vấn việc khởi kiện hành chính và kháng nghị bản án sơ thẩm. Biết bạn đọc ở tỉnh xa tìm đến nên luật sư quên hết mỏi mệt, vui vẻ nán lại tiếp.  

Việc nhiều bạn đọc tìm đến trụ sở Báo SGGP để được tư vấn, hỗ trợ pháp lý đã cho thấy nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân ngày một tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng. Khi kiến thức pháp luật của người dân được nâng lên thì việc khiếu nại, tố cáo, kiện thưa sẽ được tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Từ thực tế công việc tư vấn của luật sư cho thấy, để nâng cao kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho bạn đọc vẫn còn nhiều việc phải làm, do hiểu biết về pháp luật của người dân vẫn còn thấp. Trong khi đó, văn bản luật liên tục thay đổi. Việc cập nhật văn bản luật đối với giới luật sư, luật gia còn khó, đối với người dân càng khó hơn. Thêm một cản trở từ người dân, đó là tâm lý người dân vẫn còn ngại khi có việc khiếu nại, tố cáo, kiện thưa. Trong khi việc người dân thực thi đúng quyền khiếu kiện chính là biện pháp giải quyết vướng mắc một cách văn minh, êm thắm nhất trong xã hội hiện đại.

Qua thực tế trực tư vấn pháp lý cho người dân, các luật sư nhận xét: Người dân còn ngán ngại khi khiếu nại, tố cáo hay đưa vụ việc ra tòa, vì gặp phải những trường hợp cán bộ chưa nghiêm túc, công bằng trong việc giải quyết. Còn nhiều cơ quan chức năng vẫn đùn đẩy, giải quyết khiếu nại không đúng trình tự, quy định pháp luật. Do vậy, việc cơ quan báo chí và luật sư hỗ trợ tư vấn pháp lý cho người dân là rất cần thiết, là điểm tựa tin cậy cho người dân khi gặp những vướng mắc về pháp lý.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục