Câu chuyện “fan cuồng” và thần tượng mà cụ thể là những ngôi sao K-pop, không phải là quá mới mẻ. Tuy nhiên, qua sự kiện trên, vấn đề này tiếp tục gây tranh cãi. Điều đáng quan tâm nhất ở đây chính là văn hóa góp ý và bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội. Một nữ diễn viên từng được yêu thích trong phim truyền hình Thương nhớ ở ai gây chú ý với dòng trạng thái trên mạng xã hội, chỉ trích những bạn trẻ cuồng thần tượng K-pop đến mức xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để được nhìn mặt thần tượng. Cảnh tượng này bị chỉ trích không có gì sai, tuy nhiên không phải là bằng những lời lẽ tục tĩu như cô diễn viên kia đã viết trên trang cá nhân.
Khi cộng đồng fan K-pop bắt đầu có những phản ứng trước lời lẽ góp ý, nữ diễn viên này tiếp tục thách thức bằng việc đăng tải nhiều bài viết chỉ trích hơn, bài viết sau chửi thề nhiều hơn bài viết trước. Không ít ý kiến bình luận cho rằng, nữ diễn viên kia dựa vào sự kiện này để câu view và ăn theo để nổi tiếng. Nếu mục đích chính là như vậy, có lẽ đây là một cách làm sai lầm, nổi tiếng bằng tai tiếng không mấy tốt đẹp.
Những câu chuyện không mấy hay ho về cuồng thần tượng của một bộ phận người trẻ Việt cần được góp ý, để có thể xây dựng được một cộng đồng người hâm mộ văn minh hơn. Tuy nhiên, việc góp ý như thế nào cũng cần được chú trọng, và hơn hết là văn hóa góp ý. Mạng xã hội là một kênh để bày tỏ ý kiến về mọi mặt trong đời sống và cũng từ đây không ít những cuộc tranh cãi, thậm chí là “tìm diệt” để xóa sổ tài khoản của những người bất đồng ý kiến với nhau. Một đám đông sẵn sàng ném đá khi người khác ngược ý với mình, hay những tài khoản chỉ chực chờ để chỉ trích lỗi sai của người khác bằng những lời lẽ cay nghiệt nhất.
Góp ý để xây dựng, chỉ ra những điểm chưa hay để rút kinh nghiệm, khác với việc mạt sát và xúc phạm người khác khi họ phạm sai lầm. Nếu lấy lời lẽ thiếu văn hóa để chỉ trích cái sai thì chẳng khác nào một vết dầu loang. Người khác sai, nhưng không có nghĩa mình cũng sai theo họ.