Gượng dậy sau bão

Đã 2 tuần trôi qua kể từ khi siêu bão Florence đổ bộ vào Mỹ làm hàng chục người thiệt mạng, công tác khắc phục hậu quả ở những khu vực cộng đồng người Việt chịu ảnh hưởng vẫn tiếp tục. 
Một số con đường ở Bắc và Nam Carolina vẫn bị đóng
Một số con đường ở Bắc và Nam Carolina vẫn bị đóng

Chị Trang Nguyễn kể, sau khi nước đã phần nào rút, về tới nhà, chị nhận ra ngôi nhà không thể ở được nữa khi nước đã xâm nhập mọi ngóc ngách trong nhà, đồ đạc sũng nước. Thực hiện theo lệnh sơ tán bắt buộc của nhà chức trách, chị Trang rời khu North Chase, TP Wilmington (bang Bắc Carolina), nơi chị sinh sống gần 20 năm qua, trước khi cơn bão được cảnh báo là “cả đời có một” hung hãn tiến vào bang bờ Đông của Mỹ.

Khoảng 10 hộ gia đình trong khu chị Trang sống lâm vào tình cảnh tương tự chị. Đồ đạc của họ chất đầy ngoài đường chờ xe rác tới dọn. Chị Trang, chủ một tiệm nail và cũng là môi giới địa ốc, cho biết chị không có bảo hiểm lụt và điều này có nghĩa là chị phải tự bỏ tiền túi hoặc dựa vào các chương trình hỗ trợ của liên bang để chi trả cho sửa chữa nhà cửa. Phải tá túc tại nhà người thân trong thành phố, chị Trang ước tính sớm nhất phải đầu tháng 10 tới mới có thể trở về nhà dù không chắc khi đó nhà có được phục hồi nguyên trạng.

Nhưng chị Trang vẫn được xem là may mắn. Còn như bà Nga Đỗ Erdman, căn nhà nơi bà sinh sống từ năm 2004 nhưng nay đã bị lũ tàn phá. Cũng sống trong khu North Chase, nhà bà Nga là nhà trệt nên không thể di chuyển đồ đạc đi đâu cả, và vì chồng bà luôn cần điện để dùng máy trợ thở nên họ bắt buộc phải sơ tán. Bà cho biết nước tràn vào nhà, dâng cao từ 1,2-1,5m. Mọi thứ đồ đạc từ bàn ghế, giường ngủ cho tới tủ lạnh, xe hơi đều không thể sử dụng được nữa, phải bỏ đi hết. Tình cảnh của bà càng thêm khó khăn vì không có bảo hiểm lụt. Sự mất mát khiến bà Nga cảm thấy tuyệt vọng. Chia sẻ với VOA, bà cho biết giờ bà như người mất hồn, “không còn thiết gì ăn uống”.

Trong khi người dân bắt đầu nỗ lực dọn dẹp, tái thiết sau bão, những dịch vụ thiết yếu vẫn chưa khôi phục hoàn toàn, các cơ sở kinh doanh chỉ mở cửa phục vụ trong một khoảng thời gian giới hạn trong ngày. Đó là một thử thách đối với chị Châu Nguyễn, một cư dân ở TP New Bern cách Wilmington vài giờ lái xe về hướng Bắc.

Chị Châu cho biết may mắn là nhà chị ở chỗ cao nên nước không vào tới trong nhà, chỉ bị hư hại bên ngoài, nhưng tình trạng cúp điện kéo dài đang làm gián đoạn sinh hoạt hàng ngày. “Vì nhà có con nhỏ nên việc cúp điện khiến việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn”, chị Châu chia sẻ. Dù vậy, chị vẫn dành thời gian để giúp đỡ những đồng hương sống xung quanh bị thiệt hại nặng hơn.

Các hội người Việt ở những thành phố lớn tại bang Bắc Carolina đã phối hợp với nhau để cố gắng giúp đỡ đồng hương ở vùng bị ảnh hưởng bởi bão. Tuy nhiên, nguồn lực của nhiều hội cũng có hạn nên chỉ có thể đáp ứng được những yêu cầu hỗ trợ đơn lẻ từ những người liên lạc trực tiếp với họ hoặc những trường hợp mà họ biết tới. Hơn nữa đường sá tới một số vùng bị ảnh hưởng vẫn còn chưa thông suốt nên việc cứu trợ cũng bị hạn chế ít nhiều.

Nhiều nơi trên tuyến đường Bắc-Nam ở bờ Đông, Interstate 95, và tuyến đường chính tới Wilmington, Interstate 40, vẫn bị ngập và nhiều khả năng không thể thông xe trở lại, ít nhất là đến cuối tháng 9. Hơn 1.000 con đường khác từ những đường cao tốc chính cho tới những đường nhỏ trong các khu dân cư hiện đang bị đóng ở cả 2 bang Bắc và Nam Carolina.

Một số đường đã bị cuốn trôi hoàn toàn... Khó khăn chất chồng nên sẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa, cuộc sống của những hộ gia đình như bà Nga Đỗ Erdman mới có thể ổn định trở lại.

Tin cùng chuyên mục