Tại cuộc họp, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng, số vốn đầu tư công năm 2020 của Hà Nội rất lớn và nếu giải ngân được sẽ có tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế của thành phố, trước mắt là tác động tới tăng trưởng của quý 2.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, sẽ không điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công mặc dù thu ngân sách sẽ bị ảnh hưởng. Lý giải việc cân đối được nguồn thu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, ngoài việc điều tiết vốn từ dự án không hấp thụ hết, chậm tiến độ (khoảng 2.000 tỷ đồng) để chuyển sang dự án hiệu quả hơn; ngân sách thành phố cũng sẽ được dự phòng bổ sung từ nguồn kết dư và tăng thu 2019, nguồn cải cách tiền lương và nguồn dự trữ. Hà Nội cũng sẽ kiến nghị Trung ương xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương của thành phố là 35%; được áp dụng cơ chế đặc thù trong rút ngắn thủ tục giải phóng mặt bằng như TPHCM; cho phép Hà Nội được chỉ định thầu đối với các công trình trong tình huống cấp bách hiện nay và giải ngân theo tiến độ đối với các dự án ODA nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư công...
Theo UBND TP Hà Nội, kế hoạch đầu tư công năm 2020, bao gồm 22.000 tỷ đồng vốn kế hoạch của năm, 11.000 tỷ đồng từ các kỳ giải ngân trước chuyển sang và khoảng 6.000 tỷ đồng vốn kết dư ngân sách của năm 2019 đã được giao cho đầu tư công năm 2020 (tổng là 37.000 tỷ đồng).