
(SGGP-12G).- Báo SGGP 12 Giờ số ra ngày 15-6 đã tiếp tục thông tin những giải pháp của ngành điện cũng như những trường hợp đủ điều kiện hưởng giá điện ưu đãi. Ngay sau khi báo ra, Tòa soạn SGGP 12 Giờ tiếp tục nhận được ý kiến của bạn đọc, nhất là công nhân và sinh viên, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến…
- Chủ nhà trọ không đồng ý thì sao?
Tôi là một sinh viên đang ở trọ tại Làng đại học Thủ Đức. Nếu theo những gì chúng tôi đọc được trên Báo SGGP 12 Giờ thì chủ nhà trọ có thể đăng ký với điện lực để điều chỉnh tăng định mức điện giá bán lẻ sinh hoạt bậc thang cho những sinh viên thuê nhà.
Tuy nhiên, hàng ngàn sinh viên đang ở trọ tại đây không hề được hưởng giá điện ưu đãi này, vẫn phải mua điện với giá 3.000đ/kwh. Tôi đã cầm cả tờ báo đến hỏi chủ nhà thì chỉ nhận được cái lắc đầu “không thích ở thì thôi, lắm chuyện!”. Vậy là những sinh viên như chúng tôi phải chấp nhận giá điện “cắt cổ” vì không còn cách nào khác. Nếu chủ nhà trọ không đồng ý hạ giá bán điện thì chúng tôi nên phản ánh với ai, ở đâu? Thiết nghĩ ngành điện lực hay cơ quan có chức năng xử lý công khai số điện thoại để chúng tôi phản ánh.
Bao giờ chủ nhà trọ hết bán giá điện “cắt cổ” cho công nhân, sinh viên (ảnh chụp một khu nhà trọ tự mắc công tơ điện bán lại cho sinh viên tại Làng đại học Thủ Đức)
Phương Thảo (SV Trường ĐH KHXH-NV TPHCM)
- Chẳng lẽ huề cả làng?
Theo tôi biết, việc ký hợp đồng mua điện đối với trường hợp cho thuê nhà để sử dụng vào mục đích sinh hoạt thì chủ nhà cho thuê phải có giấy tờ chứng minh việc kinh doanh, cho thuê nhà hợp pháp. Thế nhưng, trên thực tế do tính chất đặc biệt của nhà trọ cho thuê hiện nay thì rất ít chủ nhà đăng ký kinh doanh nên người thuê nhà phải chấp nhận yếu thế trong các cuộc thương lượng thuê nhà, phòng trọ.
Gia đình tôi thuê trọ trong khu nhà 14 phòng của một chủ nhà trọ ở quận Tân Bình, khi đọc báo thấy mình đủ điều kiện để hưởng giá điện ưu đãi nhưng khi hỏi chủ nhà về việc này thì họ cho rằng: “Nếu phòng nào muốn giá điện rẻ hơn thì mỗi tháng đó thêm 100.000đ tiền phòng! Chịu không?”. Chẳng lẽ như vậy là huề cả làng?
Phạm Trọng Thịnh (Giáo viên cấp 3 - Hóc Môn)
- Sao không căn cứ theo tạm trú?
Theo tôi, không cần hợp đồng mà cứ theo giấy tờ đăng ký tạm trú, được công an phường xác nhận là được cấp định mức điện, không nhất thiết phải có hợp đồng thuê nhà hay quy định phải từ 4 người, vì hiện nay các phòng trọ rất nhỏ, thường chỉ 2-3 người/phòng.
Trần Xuân Phú (Phường Thảo Điền, quận 2)
- Chủ nhà trọ tự “kiểm định” công tơ điện?
Ngoài việc bức xúc về giá điện thì hiện nay, các chủ nhà trọ tự mua công tơ điện về lắp tại các phòng trọ mà không có cơ quan nào kiểm định về chất lượng. Phòng tôi chỉ có 3 người, điện chỉ dùng mỗi dùng vào việc thắp sáng, xem ti vi, quạt, máy tính và 1 tủ lạnh loại mini (chủ yếu dùng vào ban đêm vì ban ngày đi làm) mà mỗi tháng tốn từ 130-150kwh (tiền điện từ 400.000-450.000đ/tháng).
Trong khi đó bạn tôi ở nhà riêng có đầy đủ máy lạnh, máy giặt, quạt, nấu ăn, ti vi, tủ lạnh… mỗi tháng cũng chỉ hết 250kwh. Tôi có đưa các thiết bị điện trong nhà ra đo thử thấy mức chênh lệch rất lớn nhưng phản ánh với chủ nhà thì họ vẫn cho rằng công tơ chạy đúng. Chịu không nổi, chúng tôi phải đi thuê trọ chỗ khác. Điều đáng nói, với chừng đó thiết bị điện, cũng mức sử dụng đó, tại nơi ở mới chúng tôi chỉ hết 50-60kwh điện/tháng. Vậy thì ai có trách nhiệm kiểm tra các công tơ điện hiện đang được các chủ nhà trọ lắp đặt tại các phòng trọ?
Nguyễn Việt Cường (Đường Cù Chính Lan, Tân Bình)
Có thể bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng |
Luật Điện lực cấm hoạt động điện lực không có giấy phép. UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương. Tại Nghị định 74/2003/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực. Theo đó, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng với hành vi hoạt động điện lực mà không có giấy phép, hoạt động điện lực khi đã bị cơ quan thẩm quyền đình chỉ hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động điện lực... Trường hợp chủ nhà trọ “tự ý bán điện cho tổ chức, cá nhân khác khi không được sự đồng ý của ngành điện” thì bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Còn theo quy định tại Nghị định số 169/2004/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi “mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sai với mức giá cụ thể, khung giá...” bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. |
Hồ Việt (ghi)
>>> Chủ nhà trọ vẫn vô tư thu tiền điện quá giá
>>> Điện lực thành phố quyết liệt vào cuộc