Hành trình xóa bỏ định kiến

Nghề báo vốn không phân biệt giới tính nhưng ở Bangladesh, trước đây phụ nữ cầm bút lại là điều cấm kỵ. Số lượng nữ giới hoạt động trong lĩnh vực truyền thông ở quốc gia Nam Á này rất ít. Theo một thống kê được công bố vào cuối năm 2016, chỉ có 5% nữ giới hoạt động trong lĩnh vực báo in, trong khi con số này của truyền thông điện tử là 25%.
Hành trình xóa bỏ định kiến

Nghề báo vốn không phân biệt giới tính nhưng ở Bangladesh, trước đây phụ nữ cầm bút lại là điều cấm kỵ. Số lượng nữ giới hoạt động trong lĩnh vực truyền thông ở quốc gia Nam Á này rất ít. Theo một thống kê được công bố vào cuối năm 2016, chỉ có 5% nữ giới hoạt động trong lĩnh vực báo in, trong khi con số này của truyền thông điện tử là 25%.

Tuy nhiên, một thế hệ phụ nữ mới, có trình độ của Bangladesh đang nỗ lực xóa bỏ định kiến, dấn thân vào công việc nhiều thách thức nhưng đầy lý thú này. Wahida Zaman, Thư ký tòa soạn báo điện tử United News of Bangladesh (UNB), là một ví dụ. Khác với các bạn học của mình, Wahida chọn học ngành báo chí. Cô chọn nghề viết lách bởi suy nghĩ làm báo sẽ giúp cô được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, mở rộng kiến thức và được thỏa sức chụp ảnh, một sở thích mà cô cũng rất đam mê.

Wahida Zaman, Thư ký tòa soạn báo điện tử United News of Bangladesh

Làm báo đã khó, phụ nữ làm báo ở Bangladesh thì lại càng khó khăn hơn với vô vàn trở ngại mà có thể là từ ngay trong gia đình. “Mọi người luôn phản đối vì cho rằng phụ nữ phải làm công việc an toàn”, Wahida nói. Vì vậy, điều đầu tiên trước khi nghĩ đến chuyện cầm bút, theo Wahida là phải thuyết phục được gia đình rằng nghề báo không phải là nghề nguy hiểm. Ngoài ra, còn phải đối mặt với định kiến của xã hội về nữ giới như kiểu: phụ nữ thì không thể đi xa, đi một mình; không thể làm việc muộn đến đêm khuya hay không đủ bản lĩnh để viết một bài điều tra... Nadia Sharmeen, phóng viên của kênh truyền hình tư nhân Ekattor TV, đã cho thấy suy nghĩ phụ nữ không đủ bản lĩnh dấn thân vào những điểm nóng là hoàn toàn sai lầm. Năm 2013, cô từng bị tấn công trong lúc thực hiện phóng sự về một cuộc biểu tình ở thủ đô Dhaka. Nhưng điều đó không làm cô chùn bước để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm báo chí chất lượng.

Sanchita Sharma, biên tập viên tin tức của kênh truyền hình Boishakhi, cho rằng môi trường làm việc dành cho các nhà báo nữ tại Bangladesh hiện nay dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Đầu tiên là ngay từ chính bản thân những nhà báo. Như trong loại hình báo hình, phần lớn mới chỉ dừng lại ở mức là người dẫn chương trình thời sự, chứ chưa phải là phóng viên săn tin hay biên tập viên, những công việc giúp họ có được vị trí cao trong sự nghiệp.

Ngoài ra, còn một vấn đề phổ biến khác là họ vừa phải làm việc ở công sở vừa phải quán xuyến chuyện gia đình nên chưa thể toàn tâm, toàn ý cho công việc. Tiếp đến là sự phân biệt nặng nề về giới tính vẫn còn tồn tại trong xã hội Bangladesh. Ví dụ như Câu lạc bộ báo chí quốc gia Bangladesh, ban chấp hành hội đều là nam giới và họ rất miễn cưỡng trong việc cấp thẻ hội viên cho nữ giới. “Thật đau lòng khi biết rằng chỉ có 54 thành viên nữ trên tổng số 1.218 hội viên”, Sharma cho hay. Những ông chủ cũng thường xuyên gây khó dễ với những nhà báo nữ trong công việc khiến nhiều phóng viên triển vọng phải bỏ nghề...

Giờ đây, với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ như Diakonia, Free Press, USAID, Ford Foundation, Norad, Ngân hàng Thế giới... trong việc đào tạo đội ngũ nhà báo nữ, những người làm báo Bangladesh như Sharma hay Wahida hy vọng trong tương lai, bộ mặt báo chí Bangladesh sẽ thay đổi với sự tham gia đông đảo hơn của nữ giới, góp phần xóa bỏ những định kiến về nghề cầm bút ở quốc gia Nam Á này.

MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục