LTS: Trong điều kiện tự nhiên, phải mất 400 năm để túi ni lông có thể phân hủy hoàn toàn. Đây là vấn nạn lớn đối với môi trường. Do vậy, từ ngày 1-1-2012 Luật Thuế bảo vệ môi trường đã áp dụng mức thuế cao đối với sản phẩm túi ni lông nhằm hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc sản xuất và sử dụng sản phẩm không thân thiện với môi trường này. Nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến đề xuất các biện pháp để thay thế túi ni lông.
Tập thói quen mua bán mới
Việc vận động nói không với túi ni lông và hạn chế sử dụng nó tuy đã được dư luận và người tiêu dùng quan tâm nhưng vì nhiều lý do khách quan đến nay vẫn chưa trở thành ý thức và thói quen của toàn xã hội. Nhiều người tiêu dùng, nhà bán lẻ cho biết họ rất muốn sử dụng những loại bao bì thân thiện với môi trường nhưng thị trường cung ứng các loại bao bì này chưa nhiều, lại thêm giá cả chưa phù hợp.
Riêng đối với các loại hàng hóa nặng hoặc ướt như thực phẩm, cá thịt, rau…, vẫn chưa có loại túi nào phù hợp để thay thế túi ni lông. Do vậy, để nói không với túi ni lông, cần phải giải quyết được những bất cập này.
Việc triển khai sử dụng túi đựng bằng giấy hoặc vải cần phải thực hiện đồng bộ, áp dụng trước cho toàn bộ hệ thống, trung tâm thương mại, sau đó mở rộng đến mạng lưới bán lẻ hàng hóa. Cần phải tuyên truyền giải thích cho mọi người hiểu rõ lợi ích của việc dùng túi đựng thân thiện môi trường.
Để tập thói quen cho người tiêu dùng khi đi mua sắm, phải mang theo túi sử dụng nhiều lần, các trung tâm thương mại, siêu thị không nên cung cấp cho khách hàng túi đựng. Chỉ khi buộc phải mua túi đựng thân thiện môi trường thì người dân mới có ý thức, thói quen phải mang theo túi đựng sử dụng nhiều lần khi đi mua sắm.
Hy vọng việc đánh thuế túi ni lông sẽ khiến các nhà bán lẻ bớt hào phóng khi đựng hàng hóa cho khách hàng bằng túi ni lông. Đừng để thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải trả giá vì những hệ lụy do túi ni lông thải bừa bãi ra môi trường.
NHƯ HÀ (Quận 10, TPHCM)
Đâu cần thiết phải có túi ni lông
Tôi luôn cảm thấy ăn ngon miệng hơn khi được dùng các loại xôi, nem, chả, bánh chiên, bánh nếp… bọc bằng các loại lá chứ không phải bằng ni lông. Ngay cả với logo, bảng hiệu, tên gọi, tôi cũng luôn có cảm giác thân quen và thiện cảm với những chất liệu từ thiên nhiên.
Ví dụ như hệ thống quán “Xôi lá chuối”, ngay lần đầu tiên khi nhìn thấy bảng hiệu này, tôi liền tấp xe vào mua, vì nhớ đến mùi thơm của nếp nóng gói trong lá chuối - món quà sáng gắn liền với tuổi thơ của mình. Hoặc như thương hiệu bánh xèo “Ăn là ghiền”, cái logo hình lá chuối trên bảng hiệu luôn tạo cho tôi cảm giác thấy thèm khi nghĩ tới hình ảnh cái bánh xèo vàng rực nằm trên miếng lá màu xanh, quả thật rất hấp dẫn!
Hiện nay lượng hàng hóa lưu thông ngày càng nhiều, tất nhiên ở các đô thị sẽ không có đủ lá chuối, lá sen để sử dụng cho việc bọc gói thực phẩm. Thế nhưng khi có cầu ắt sẽ có cung, việc trồng chuối để cung ứng lá cho nhu cầu bao gói thực phẩm sẽ phát triển trở lại.
Người tiêu dùng nên tạo thói quen sử dụng các loại bao bì bằng giấy (đối với thực phẩm tươi sống) hoặc túi vải xài nhiều lần để đựng hàng hóa, rau củ, vật dụng.
VƯƠNG THẢO (Quận 6, TPHCM)
Sao không dùng túi giấy?
Người bán bánh mì ở xóm tôi than thở gần đây do bị đánh thuế cao nên túi ni lông, túi nhựa đều tăng giá đến 100%, trong khi bán một ổ bánh mì lời không bao nhiêu, nếu tăng giá bánh mì sẽ chẳng còn ai ăn. Tôi tự nghĩ tại sao không xài lại bao giấy hay túi giấy?
Tại nước ta, ngay từ khi chưa có việc đánh thuế túi ni lông, đã có một nhà sách tại quận 3 TPHCM rất có ý thức bảo vệ môi trường, dán ngay cửa các bài báo về tác hại của việc sử dụng túi ni lông, rồi chỉ dùng giấy để bọc các sản phẩm bán cho khách hàng.
Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, túi ni lông chưa xuất hiện. Ổ bánh mì được bọc bằng miếng giấy báo; xôi được gói bằng lá chuối, bắp rang được bọc bằng mảnh giấy xếp hình loa kèn… Người đi chợ thường xách theo giỏ sử dụng nhiều lần. Mua thức ăn, thức uống đều phải mang theo cặp lồng. Đâu cần phải có túi ni lông làm túi đựng. Nay, khi túi ni lông tăng giá, sao người bán không trở lại với túi giấy, lá chuối, lá sen bọc sản phẩm bán cho khách hàng?
NGUYỄN NGỌC HÀ (Quận 3, TPHCM)
Cần tiêu chí cho bao bì tự hủy
Để tránh tác hại của túi ni lông, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp tích cực là sản xuất và khuyến khích sử dụng bao bì tự hủy để thay thế. Tại Việt Nam ngay từ năm 2003 Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình và Công ty cổ phần Bao bì Vafaco sản xuất bao bì tự hủy.
Thế nhưng có một điều trớ trêu là loại bao bì tự hủy của các công ty này chỉ được xuất khẩu sang các nước, nhưng không được công nhận ở Việt Nam, do vậy chưa được sử dụng rộng rãi trong nước. Không được công nhận ở Việt Nam vì chưa có tiêu chí thân thiện với môi trường áp dụng cho nhóm túi ni lông. Hiện Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đang soạn thảo tiêu chí này nhưng chẳng biết bao giờ mới có.
Cần gấp rút xây dựng tiêu chí cho bao bì tự hủy nhằm giúp sản phẩm của các doanh nghiệp đã và đang sở hữu công nghệ sản xuất bao bì tự hủy được công nhận, giúp họ cải thiện mức thuế theo Luật Thuế bảo vệ môi trường.
NGUYỄN ĐẮC NGHĨA
(Huyện Cần Giờ, TPHCM)