Trong năm 2016 đã có hàng trăm container gạo thơm bị Hoa Kỳ trả lại vì có tới 8 hoạt chất có trong thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt quá giới hạn cho phép. Nguyên nhân là tại người nông dân không biết quy định về tiêu chuẩn gạo xuất khẩu ư? Có thể là như vậy, nhưng có một điều đáng buồn cho nông dân là chẳng có ai chỉ cho họ, nên họ cứ theo quán tính mà canh tác bừa. Nông dân vô tư sử dụng thuốc BVTV trên cây lúa, hậu quả dư lượng độc chất thuốc BVTV vượt quá ngưỡng yêu cầu nhập khẩu gạo của một số quốc gia. Cuộc chơi nào và ở đâu thì cũng phải tuân theo một “luật chơi”. Cho đến bây giờ, người nông dân vẫn chưa hề biết rằng mình chơi chính trên sân nhà mà vẫn chưa biết “luật chơi”. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng không đầu tư căn cơ cho nông dân, như ứng vốn sản xuất, hướng dẫn và kiểm tra chất lượng việc thực hiện quy định về tiêu chuẩn gạo xuất khẩu. Đó là lý do vì sao gạo Việt Nam khó có thể cạnh tranh trên thị trường gạo quốc tế và gạo xuất khẩu đi rồi lại bị trả về.
Theo thống kê, hàng năm nước ta sử dụng từ 35.000 đến hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật. Ảnh minh họa. Nguồn: T.L
Theo thống kê, hàng năm nước ta sử dụng từ 35.000 đến hơn 100.000 tấn hóa chất BVTV. Tình trạng tùy tiện sử dụng thuốc BVTV như vậy làm tổn hại sức khỏe con người, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, hệ thần kinh, các tuyến nội tiết và hệ miễn dịch đối với cả người và động vật. Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng về môi trường, hàng năm có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất do thuốc BVTV phải cấp cứu tại các bệnh viện và hơn 300 trường hợp tử vong. Về lâu về dài, hóa chất độc hại khó phân hủy, tích lũy sinh học, khi phát tán sẽ làm hoang hóa tài nguyên đất khiến gia tăng giá thành, chất lượng sản phẩm kém, thu nhập nông dân càng ngày càng giảm và sản phẩm càng khó cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo phải chỉ rõ cho nông dân biết những điều cốt tử đó, có giải pháp sản xuất căn cơ, bền vững, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Vận động nông dân tiến tới một nền nông nghiệp xanh, mà hướng tiếp cận là xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, sản xuất chủ yếu dựa vào sự luân canh, sử dụng phân chuồng đã qua ủ nóng, phân xanh, phân vi sinh và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để canh tác, hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng thuốc BVTV.
TÚ NGUYÊN
(huyện Cần Đước, tỉnh Long An)