Nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải ở TPHCM phản ánh tình trạng hệ thống biển báo tải trọng cầu đường thiếu đồng bộ khiến nhiều DN phải è lưng chịu phạt. Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, đã có giải đáp về vấn đề này.
Ông Lê Toàn cho biết, việc gắn biển báo hiệu “hạn chế trọng lượng xe” (tổng tải trọng cả xe và hàng) đối với cầu và biển báo hiệu “hạn chế trọng lượng trên trục xe” đối với đường tại TPHCM đã được thực hiện đúng theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. (Điều 4, Thông tư 07/2010/TT – BGTVT ngày 11-2-2010 của Bộ GTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ…). Tuy nhiên, hiện có tình trạng trên cùng một tuyến đường nhưng nhiều cầu có khả năng chịu tải khác nhau (do được đầu tư xây dựng vào những thời gian, giai đoạn khác nhau), biển báo hiệu hạn chế tải trọng không thể đồng nhất mà phải theo khả năng chịu tải thực tế của từng cầu, khiến người dân nghĩ rằng biển báo được gắn không đồng bộ.
Trong vấn đề tải trọng cầu, có ý kiến cho rằng các DN vận tải đang bị “bắt bí” khi tải trọng cầu đường thường quá thấp, chẳng hạn xe container chuyên dụng thường có tổng tải trọng 40 - 45 tấn nhưng hệ thống biển báo tải trọng cầu lại dưới 30 tấn. Vấn đề này, ông Lê Toàn cho biết, việc gắn biển báo hiệu hạn chế tải trọng cầu căn cứ vào khả năng chịu tải khai thác của cầu theo hồ sơ thiết kế (đối với cầu mới xây dựng) và theo tình trạng kỹ thuật thực tế của cầu (đối với cầu cũ, căn cứ vào kết quả kiểm định, thử tải cầu). Bên cạnh đó, còn phải xét đến tình hình trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị. Việc lực lượng chức năng xử phạt các xe quá tải qua cầu là đúng theo quy định của pháp luật và trên hết là đảm bảo sự khai thác bình thường của công trình, đảm bảo an toàn giao thông. Không ai bắt bí ai, quy định là thế nên tất cả cùng phải chấp hành.
Ông Lê Toàn cũng giải thích thêm, do các cầu trên địa bàn TPHCM được xây dựng qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ khác nhau nên không đồng bộ về tải trọng khai thác. Thời kỳ đầu, các công trình cầu chủ yếu được tính toán, thiết kế nhằm phục vụ các phương tiện lưu thông có tổng tải trọng từ 30 tấn trở xuống, phù hợp với hầu hết các phương tiện vận tải có vào thời điểm đó. Để giải bài toán không đồng bộ này, Sở GTVT TPHCM đã và đang tập trung đầu tư nâng cấp các cầu cũ và xây dựng các cầu mới nhằm từng bước đồng bộ tải trọng khai thác trên tất cả các tuyến đường của TP. Tuy nhiên, do số lượng cầu cần được nâng cấp, xây dựng mới rất nhiều, chi phí đầu tư rất lớn nên phải có thời gian dài mới triển khai hết được. Hiện Sở GTVT TPHCM đang tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng các cầu trên các trục đường xuyên tâm và các đường vành đai. Trong thời gian tới, các tuyến đường này sẽ đồng bộ về tải trọng khai thác và cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao của doanh nghiệp.
ĐÌNH LÝ