Hiểm họa đường ngang

Trả lời báo chí về vụ tai nạn đường sắt xảy ra vào đêm 10-3 tại Quảng Trị, một vị thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: Tai nạn liên quan đến đường ngang đã được Bộ GTVT cảnh báo từ rất lâu và đã có nhiều biện pháp như lắp đặt đèn tín hiệu, phối hợp với địa phương cắt cử người gác… Hẳn ai cũng phải ngạc nhiên khi được biết “Bộ GTVT đã cảnh báo từ rất lâu”, nhưng sao tai nạn vẫn xảy ra? Chưa hết, vị thứ trưởng này than: “Ý thức của người tham gia giao thông là vấn đề chúng tôi rất lo, mà không dễ gì giải quyết trong một sớm một chiều”.

Vậy có thể hiểu: Tai nạn xảy ra là do người tham gia giao thông, chứ trách nhiệm không thuộc về ngành chức năng? Và điều ông thứ trưởng nói cũng ngầm ý: Tai nạn sẽ còn xảy ra dài dài!

Đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa tàu hỏa với ô tô. Tai nạn đường ngang chắc chắn sẽ còn tiếp diễn khi băng ngang tuyến đường sắt vẫn còn 3.000 đường ngang dân sinh không rào chắn, đèn tín hiệu. Mối hiểm họa chết người đang lơ lửng trên từng cung đường sắt, ai cũng biết, Bộ GTVT cũng thấy, nhưng liệu chúng ta có thể khoanh tay chấp nhận xem đây là “vấn đề không dễ gì giải quyết một sớm một chiều”?

Đành rằng ý thức chấp hành luật giao thông của nhiều tài xế còn khá thấp, nhưng chẳng lẽ vì nại lý do đó để tiếp tục xem đây là chuyện “không thể giải quyết một sớm một chiều”, nhiều gia đình sẽ còn đau khổ, xã hội sẽ đối mặt với những thiệt hại vật chất và cả nhân mạng.

Giải pháp trước mắt là khẩn trương xóa tình trạng 3.000 đường ngang không rào chắn, đèn tín hiệu. Không chỉ ngành GTVT đơn độc trong việc phòng tránh tai nạn đường ngang, các ngành như CSGT, chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc, xem đây là trách nhiệm của chính mình. Có như vậy, những tai nạn như tàu SE5 đêm 10-3 mới không tái diễn.

PHẠM HỒNG (quận 1, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục