Trong dịp 20 năm Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4-2000 - 7-4-2020), đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đã gửi thư tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, thân ái kêu gọi mọi người tích cực hiến máu nhân đạo cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Tiếp đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động, vận động toàn dân hưởng ứng, ủng hộ hoạt động hiến máu tình nguyện, tạo nét đẹp văn hóa, nhân văn trong xã hội. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã mở cuộc vận động hiến máu nhân đạo. Trong những ngày qua, nhiều bộ ngành, đoàn thể, địa phương đã tổ chức hiến máu, với nhiều cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tham gia.
20 năm qua, hiến máu tình nguyện đã thành phong trào rộng khắp, vận động và tiếp nhận được tổng cộng trên 16 triệu đơn vị máu. Riêng trong năm 2019, số đơn vị máu tiếp nhận gấp 4,7 lần so với năm 2000. Tuy nhiên, hiện nay nguồn máu cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân mới chỉ đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu. Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, dịch Covid-19 đã khiến lượng máu viện tiếp nhận được trong tháng 3 giảm tới 50% so với kế hoạch đề ra từ đầu tháng và ước tính trong tháng 4 sẽ sụt giảm tới 70%. Việc đảm bảo nguồn lực hiến máu đang trở lên vô cùng khó khăn.
Để có thể thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện, cần sự tham gia, phát huy tốt vai trò của cả hệ thống chính trị ở từng cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư. Các cán bộ, đoàn viên, hội viên thể hiện trách nhiệm nêu gương bằng việc tham gia hiến máu. Ngành y tế và các tổ chức vận động hiến máu nên tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về việc ngành y tế đã áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid-19 cẩn trọng khi tổ chức tiếp nhận máu, đảm bảo an toàn cho người hiến máu, an toàn cho người nhận máu và an toàn cho nhân viên y tế, để mọi người an tâm tham gia hiến máu. Cũng nên thông tin cho người dân thấy những lợi ích của việc hiến máu (được xét nghiệm và thông báo các kết quả xét nghiệm máu, được tư vấn sức khỏe miễn phí; được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện - vừa để tôn vinh, vừa có giá trị được các bệnh viện bồi hoàn lượng máu khi cần cấp cứu, điều trị, bằng với lượng máu đã hiến). Qua đó, người dân thấy rõ việc tham gia hiến máu không chỉ là nghĩa cử cứu người, mà còn là cách chủ động chăm lo bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
Hãy tâm niệm rằng xung quanh chúng ta có biết bao người rủi ro, bất hạnh, đang đau đớn, mất máu vì tai nạn hay vì bệnh hiểm nghèo, phải đối mặt với ranh giới giữa sự sống và cái chết. Máu là món quà vô giá mà con người có thể chia sẻ, hiến tặng để cứu sinh mạng người khác, nên việc hiến máu tình nguyện chính là phước báu. Hiểu được ý nghĩa nhân văn sâu sắc và lợi ích của việc hiến máu nhân đạo, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân hãy thể hiện lòng nhân ái và trách nhiệm với cộng đồng, cùng tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo.
Người lao động tham gia hiến máu Hồng Hải |