Hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông

Hiện nay, bình quân mỗi ngày tai nạn giao thông (TNGT) cướp đi sinh mạng của 24 người, làm hàng chục người khác bị thương tật. Dù con số này đã giảm đi nhiều so với những năm trước (năm 2012, mỗi ngày có 30 người chết vì TNGT), nhưng vẫn còn ở mức cao và hậu quả để lại cho gia đình và xã hội rất lớn. Thống kê cho thấy có khoảng 1/2 số người chết vì TNGT dưới 30 tuổi - độ tuổi đang làm việc, sung sức và có thể có nhiều đóng góp cho xã hội. Không chỉ vậy, với nhiều người, đây là độ tuổi vừa lập gia đình, có con nhỏ, trong khi cha mẹ họ vừa hết tuổi lao động, nên khi họ mất, con trẻ và cha mẹ họ sẽ gánh những hậu quả nặng nề do thiếu sự chăm sóc, nuôi dưỡng. Nếu người bị TNGT còn sống nhưng bị thương tật, mất sức lao động, thì đều gây nhiều hệ lụy cho người thân của họ. Các thiệt hại này có thể nằm ngoài thiệt hại chung 2,5% GDP nước ta mỗi năm, bởi không thể tính toán được các tổn thất về tinh thần, suy kiệt sức khỏe dẫn đến giảm năng suất lao động cũng như các thiệt hại gián tiếp khác.

Bình quân mỗi ngày tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của 24 người, làm hàng chục người khác bị thương tật. Ảnh minh họa

Để góp phần hạn chế một số thiệt hại do TNGT, Nhà nước đã có quy định chủ các phương tiện xe cơ giới phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự để cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán một phần thiệt hại cho bản thân người điều khiển phương tiện và người đi cùng cũng như người bị TNGT có liên quan. Chủ xe cơ giới (nhất là ô tô) cũng được khuyến khích mua bảo hiểm vật chất để được bồi thường khi có rủi ro. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn lơ là điều này, dẫn đến không mua bảo hiểm, hoặc chỉ mua để đối phó với cảnh sát giao thông khi có kiểm tra. Trong khi đó, mức bồi thường bảo hiểm khá thấp và các thủ tục để được nhận bồi thường còn phức tạp. Đối với người bị TNGT, sự giúp đỡ của xã hội thường mang tính nhất thời, không thường xuyên, không đồng đều, thông qua sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, của các nhà hảo tâm… Sự giúp đỡ đó rất đáng quý nhưng không phải ai cũng được nhận và phần nhiều chỉ giải quyết tình thế trước mắt.

Để góp phần giúp đỡ các nạn nhân bị TNGT và thân nhân họ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có Quỹ An toàn giao thông - Phát triển cộng đồng. Tuy nhiên, quỹ này ít được biết đến, hiệu quả hoạt động chưa cao. Trong điều kiện hiện nay, cần nâng chất lượng và hiệu quả hoạt động của một loại quỹ hỗ trợ nạn nhân TNGT. Quỹ này nhằm giúp đỡ việc chữa trị người bị TNGT (trong trường hợp không được Nhà nước hỗ trợ, việc bồi thường hoặc hỗ trợ của bên có liên quan không đủ hoặc không kịp thời, bản thân người bị nạn quá khó khăn…), ma chay cho người chết, mua phương tiện giúp người bị thương tật đi lại, giúp vốn cho người bị thương tật tìm công việc mưu sinh theo khả năng của họ, tạo điều kiện cho gia đình họ có được việc làm phù hợp, giúp con cái họ được tiếp tục đi học…

Cơ quan phụ trách hỗ trợ nạn nhân TNGT là Ban An toàn giao thông quốc gia và các ban an toàn giao thông cấp tỉnh, có trách nhiệm vận động, quản lý, sử dụng quỹ một cách hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Nguồn thu của quỹ có thể do một phần ngân sách nhà nước cấp, do đóng góp của các nhà hảo tâm, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hoặc do các đầu tư theo đúng quy định. Cơ quan phụ trách cần có quy chế sử dụng quỹ, như phân công người quản lý, vận động quỹ, quy định mức hỗ trợ cho từng trường hợp (tùy theo điều kiện của nguồn quỹ và tình trạng cụ thể của các nạn nhân)…

Hỗ trợ nạn nhân TNGT là điều rất cần thiết, bởi xét cho cùng những nạn nhân này lâu nay chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức, trong khi mức độ thiệt hại và tác động của TNGT rất nghiêm trọng và nặng nề. Trên thực tế, sự quan tâm của xã hội, của đồng bào với tinh thần “lá lành đùm lá rách” luôn được thể hiện rất rõ, nhưng vì chưa có một cơ chế rõ ràng nên người có điều kiện và người muốn hỗ trợ rất khó có thể thực hiện. Vào tháng 11 hàng năm, cùng với dịp cầu siêu tưởng niệm các nạn nhân TNGT, có thể phát động đến các cơ quan, đơn vị, toàn xã hội để mọi người có thể đóng góp cho quỹ hỗ trợ nạn nhân TNGT. Đó không chỉ là cách thiết thực để giúp đỡ các nạn nhân bị TNGT, mà còn là một hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về TNGT một cách có hiệu quả.

TRÚC GIANG
(Quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục