
Có dịp quay lại vùng “đất dữ” mà từ xưa dân địa phương quen gọi là “nhà thờ hầm” (đường Nguyễn Thị Nhỏ thuộc địa bàn hai phường 15 quận 11 và phường 9 quận Tân Bình, TPHCM), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay ở địa danh khá nổi tiếng này.
Ngày xưa đây là vùng sình lầy, trồng rau muống và rừng cao su chạy đến tận chợ Ông Địa, Ông Hoàng. Sau đó thực dân Pháp xây thành kho bom phục vụ chiến tranh, gọi là kho bom Phú Thọ Hòa. Hai trận đánh lớn 31-8-1952 và 1-6-1954 của lực lượng đặc công Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định có Anh hùng Phạm Văn Hai (1931 - 1967) tham gia, đã phá hủy trên 10.000 tấn bom, đốt cháy hơn 10 triệu lít xăng...
Dư âm cảnh chết chóc và tàn tích chiến tranh đã biến nơi đây trở thành lãnh địa của dân giang hồ anh chị, xì ke ma túy, trấn lột cướp bóc, tệ nạn xã hội phát sinh... Bác Tám Hường cư ngụ ở đây lâu năm, kể lại: Hồi đó, vào ban đêm nói chở về “nhà thờ hầm”, có cho vàng mấy anh chở thuê cũng không dám liều. Cả một vùng cỏ mọc lút đầu người chìm trong cảnh hoang tàn lạnh lẽo, khiến ai nấy đều rùng mình khiếp đảm. Dân tứ chiếng kéo tới tá túc, rác rưởi, xác chết súc vật đều thảy ra đây.

Một góc công viên Tân Phước là khu vui chơi của thiếu nhi.
Thế nhưng, khu “đất dữ” này thực sự thay da đổi thịt kể từ tháng 8-2000, khi công viên Tân Phước khang trang, vuông vức mọc lên. Hầm kho bom xưa nay là nơi hóng mát, tập thể dục, đi bộ, vãn cảnh của người dân ở khu vực lân cận. Phía dưới hầm là sàn tập của hai câu lạc bộ thể hình, thẩm mỹ.
Trong không gian yên bình vào buổi sáng và buổi tối, tiếng nhạc rộn ràng vang lên khiến lòng người rộn vui, ấm áp. Ở sân công viên rộng rãi là một dãy sân cầu lông và khu vui chơi giải trí của các cháu thiếu niên, nhi đồng. Tính ra hàng tháng không dưới 7.000 lượt người đến đây tập thể dục, vui chơi.
Dù được đắm mình trong không khí trong lành của cây xanh, cây kiểng phong phú, đa dạng nhưng lạ thay dưới các gốc cây rất hiếm khi gặp một cái lá rụng, một mẩu rác. Không những thế, nơi đây còn thu hút nhiều học sinh, sinh viên đến “Phòng trưng bày di tích lịch sử kho bom Phú Thọ Hòa” để sưu tầm tư liệu lịch sử.
Tổ trưởng bảo vệ Nguyễn Văn Lương nói trong niềm vui xen lẫn tự hào: “Nếu thành phố không được giải phóng, không rõ mảnh “đất dữ” này sẽ ra sao!”. Sự thay đổi như hôm nay quả là điều kỳ diệu, từ phế tích nơi đây đã trở thành di tích lịch sử đáng nhớ!
Nguyễn Thế Kỷ