Hoạt động quảng cáo còn nhiều sai phạm

Hoạt động quảng cáo còn nhiều sai phạm

Sau gần một năm, kể từ khi Quyết định 39 của UBND TPHCM quy định về hoạt động quảng cáo có hiệu lực, hoạt động này đã phần nào được chấn chỉnh nhưng vẫn còn nhiều sai phạm…

Nằm trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TPHCM), ngã tư Hàng Xanh có hàng loạt biển quảng cáo với đủ màu sắc, kích cỡ đua chen nhau. Đây là khu vực thuộc loại vị trí “vàng” quảng cáo nên các công ty, cửa hàng, xí nghiệp lớn nhỏ tranh nhau xí chỗ. Còn dọc các tuyến đường Kinh Dương Vương (quận 6), quốc lộ 1A (Bình Tân, quận 12), xa lộ Hà Nội (Thủ Đức), Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh, quận 7)… các bảng quảng cáo “tự phát” giăng khắp gốc cây, cột điện.

Nhiều biển quảng cáo không ghi thông tin giấy phép quảng cáo. (Ảnh chụp tại ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TPHCM)

Nhiều biển quảng cáo không ghi thông tin giấy phép quảng cáo. (Ảnh chụp tại ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TPHCM)

Ở trung tâm TP đâu đâu cũng thấy các quảng cáo nhỏ lẻ, rao vặt theo nhu cầu rất đa dạng của người dân. Đi dọc các tuyến đường An Dương Vương, Nguyễn Văn Cừ (quận 5), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, 3), Hùng Vương, 3 Tháng 2 (quận 10)… chúng ta dễ thấy từ vách tường, cột điện, nhà chờ xe buýt, gốc cây có đủ thứ quảng cáo, từ bảng hiệu quán nhậu, quán cơm đến giới thiệu việc làm, sửa cống nghẹt... Hiện nay vào mùa thi tuyển đại học, cao đẳng, các trung tâm đua nhau dán quảng cáo luyện thi cấp tốc; còn tại các tủ điện, trạm điện thoại công công, điện thoại thẻ là nơi thường xuyên giới thiệu những gương mặt ca sĩ, những album mới…

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện trên địa bàn TP có rất nhiều hình thức quảng cáo: từ pano, tờ rơi đến quảng cáo qua màn hình tivi trên xe buýt, nhà ga, bệnh viện… Trong đó, sai phạm dễ nhận thấy nhất ở các bảng quảng cáo là không giấy phép hoặc không ghi thông tin về giấy phép. Nhiều biển quảng cáo đặt sai vị trí, vượt kích thước cho phép. Trên nhiều tuyến đường còn khá nhiều băng rôn quảng cáo bị rách, gãy hoặc không còn tác dụng nhưng không được tháo gỡ, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Ngoài ra, ở khoản 12, điều 4 của Quyết định 39 có quy định: “Cấm sử dụng âm thanh quảng cáo gây tiếng ồn vượt mức quy định”. Thế nhưng dọc theo tuyến đường Lý Thường Kiệt và một số trung tâm điện máy lớn ở TP vẫn có những loa phát âm thanh quảng cáo với công suất rất lớn. Còn tình trạng phát tờ rơi của các trung tâm gia sư, chiêu sinh, giới thiệu sản phẩm… vẫn diễn ra thường xuyên tại các giao lộ, cổng trường ở TP - một kiểu quảng cáo xả rác nhưng lâu nay người quảng cáo chẳng hề bị nhắc nhở gì.

TRUNG CHÁNH

Tin cùng chuyên mục