Học để hạnh phúc...

Vừa qua, câu chuyện một thanh niên 22 tuổi tên Nguyễn Hoàng Anh vẫn vào học lớp 1 phổ cập giáo dục tại phường 12 (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã được khá nhiều người quan tâm, bình luận, động viên. Sớm mồ côi mẹ, gia đình ít quan tâm nên Hoàng Anh phải bỏ học từ rất sớm, bươn chải kiếm sống. Tới khi trưởng thành, việc không biết chữ khiến anh gặp rất nhiều bất tiện trong việc làm giấy tờ, trong sinh hoạt, nhất là việc… đọc tin nhắn của người yêu. Vì vậy, anh quyết định đi học.

Đó đây, cũng có không ít người ở tuổi 50 - 60 còn đi thi tốt nghiệp phổ thông, thi tuyển sinh đại học. Có người tuổi trên 70 vẫn còn học cao học. Việc tự học diễn ra còn phong phú với nhiều hình thức hơn. Bởi bể học mênh mông, càng học mới càng thấy mình biết ít, lại càng thúc đẩy mình học nhiều hơn. Mỗi người đi học ở trường lớp hoặc tự học đều có mục tiêu riêng. Phổ biến nhất vẫn là để biết, để làm việc, rồi có bằng cấp, để đủ chuẩn chuyên môn hay chứng chỉ cho công việc, làm gương cho con cháu, thậm chí học để có một nguồn vui… Dù với lý do gì, việc chịu khó học tập vẫn là hoạt động có ý nghĩa, có ích đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. Nếu xã hội có nhiều người tích cực học tập với động cơ đúng đắn thì xã hội đó càng có điều kiện phát triển, bởi việc học không chỉ đem lại tri thức mà còn củng cố và nâng cao vốn văn hóa, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa người với người để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuyên ngôn giáo dục thế kỷ 21 của UNESCO đã xác định: Học để biết, Học để làm, Học để chung sống và Học để tồn tại. Đó là mục tiêu chính đáng và rộng lớn, nên xem là mục tiêu và động lực học tập. Đối chiếu với trường hợp của Hoàng Anh, học để biết chữ, từ đó làm việc tốt hơn, sinh hoạt thuận tiện hơn (ít nhất là đọc được tên đường, viết được lý lịch... chứ không phải nhờ người khác), để sống gần gũi, chan hòa với mọi người hơn (không còn phải “thu mình”, “lạc loài” vì không biết chữ hay vì giấu giếm điều đó), từ có cơ hội để khẳng định mình trong cuộc sống, với những người xung quanh...

TPHCM vừa phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2014 với chủ đề “Học để làm cho mình và cộng đồng hạnh phúc”. Đây là hoạt động nhằm giúp các cấp lãnh đạo, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, đồng thời tăng cường cơ hội học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân, tạo cơ hội cho người dân ở mọi lứa tuổi tham gia học tập, đặc biệt là những chương trình bồi dưỡng ngắn hạn giúp cập nhật kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ hiểu biết về các lĩnh vực trong đời sống xã hội, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, góp phần xây dựng TPHCM trở thành “thành phố học tập”…

Xét riêng chủ đề “học để hạnh phúc”, thực sự đây là mục tiêu rất có ý nghĩa, có tính nhân văn sâu sắc. Học để thi cử, để lấy bằng cấp, để cạnh tranh nhau… xét cho cùng sẽ không có ý nghĩa mấy nếu không đem đến hạnh phúc. Vì vậy, học theo kiểu hành xác, đầy áp lực, phải chạy đua thì việc học trở thành gánh nặng, một trở lực chứ không phải động lực tìm kiếm hạnh phúc.

Mỗi người - dù là người lớn hay trẻ em - mỗi khi đến lớp không chỉ tiếp thu được những kiến thức bổ ích mà còn gợi mở những cách nghĩ, cách sống, cách làm tích cực, có ích cho bản thân và cho người khác, thì đó thực sự là hạnh phúc. Việc mưu cầu hạnh phúc chẳng bao giờ là vô nghĩa hay muộn màng, vì vậy, việc học cũng chẳng bao giờ là muộn!

TRÚC GIANG

Tin cùng chuyên mục