Hội nghị an ninh Munich nổi lên xu hướng hợp tác và đối thoại

Hội nghị thường niên quốc tế về an ninh khai mạc ngày 7-2 tại Munich, Đức đã đánh dấu nhiều tín hiệu lạc quan sau khi Mỹ có tổng thống mới. Chủ tịch Quốc hội Iran Ari Larijani đã đánh giá cao quyết định của Washington đưa đặc sứ Trung Đông George Mitchell đến khu vực này, ông Larijani nói: “Tổng thống Mỹ cho biết ông gửi đặc sứ tới để nghe chứ không đơn thuần chỉ ra phán quyết. Đây là dấu hiệu tích cực”.

Theo ông Larijani, đây là “cơ hội vàng” để Mỹ và Iran cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, Iran khẳng định rằng Mỹ nên từ bỏ yêu cầu đòi Iran ngừng chương trình hạt nhân của mình.

Cũng tại hội nghị an ninh ở Munich, Phó Thủ tướng Nga Sergei Ivanov đã thúc giục chính phủ của Tổng thống Mỹ Obama cùng hợp tác đưa ra một hiệp ước mới về giải trừ vũ khí hạt nhân chiến lược (START, ký kết năm 1991). Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mới đây cho biết Mỹ sẽ sớm xem xét lại hiệp ước này vốn bị chính phủ tiền nhiệm Bush xem nhẹ.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier trong bài phát biểu khai mạc cũng cho rằng đã đến lúc nên có một hiệp ước mới về giải trừ vũ khí hạt nhân thông qua hợp tác và đối thoại. “Năm 2009 sẽ phải là năm của chính sách mới về giải trừ vũ khí và an ninh quốc tế”, ông Steinmeier khẳng định.

Tại hội nghị, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu đầu tiên ở nước ngoài về chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông cho biết Mỹ sẽ có nhiều biện pháp mạnh để thúc đẩy cải cách chính trị ở Iraq, kêu gọi các đồng minh cùng với Mỹ ổn định Afghanistan và đề xuất 1,5 tỷ USD viện trợ cho Pakistan.

Ông Biden khẳng định Mỹ sẽ rút toàn bộ quân chiến đấu khỏi Iraq trong vòng 16 tháng và chuyển tới tăng cường tại Afghanistan, nơi mà ông Biden cho rằng con đường còn rất dài để dẫn tới an ninh và phát triển.

H.Q. (Theo AFP, Reuters)

Tin cùng chuyên mục