Hội nghị cán bộ TPHCM: Quyết tâm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống

Ngày 20-9, Hội nghị cán bộ TPHCM quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) số 13-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 4 và các NQ, kết luận của Hội nghị TƯ 5 (khóa XI) đã bế mạc.

(SGGP). – Ngày 20-9, Hội nghị cán bộ TPHCM quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) số 13-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 4 và các NQ, kết luận của Hội nghị TƯ 5 (khóa XI) đã bế mạc.

Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định: “Tư tưởng xuyên suốt của NQ là bảo đảm tính đồng bộ trong xây dựng kết cấu hạ tầng, thể hiện trên cả hai mặt phục vụ phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh; hạ tầng “cứng” và hạ tầng “mềm”. Chương trình hành động triển khai NQ của Thành ủy TPHCM với 10 nội dung trọng tâm cũng đã đầy đủ, bao quát phù hợp với thực tiễn phát triển TPHCM. Mục tiêu của TP là huy động mọi nguồn lực, tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt là các công trình thực hiện Chương trình đột phá của TP nhằm giải quyết cơ bản ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Trong đó tập trung nguồn lực vào 5 lĩnh vực trọng tâm: hạ tầng giao thông; hạ tầng đô thị; hạ tầng thủy lợi, chống ngập nước và ứng phó với biến đổi khí hậu; hạ tầng y tế; hạ tầng giáo dục – đào tạo và khoa học công nghệ, từ đó làm tốt vai trò đô thị đặc biệt, vai trò hạt nhân Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đô thị TPHCM. TPHCM sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi nhà đầu tư để huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển nhanh đường sắt đô thị, phấn đấu đến năm 2017 hoàn thành tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương. Đến năm 2015, TPHCM sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa và triều cường tại khu vực trung tâm TP. Phấn đấu đến cuối năm 2015, TP hoàn thành cơ bản chương trình giải tỏa nhà lụp xụp ven kênh rạch (hiện còn 13.000 hộ)…”.

Quán triệt thêm về kết luận tiếp tục thực hiện NQ TƯ 3, khóa X “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, đồng chí Lê Thanh Hải nói: Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, về tính chất, tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, có việc kéo dài, chưa khắc phục được; phạm vi xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp; về xu hướng, diễn biến phức tạp, từ đó dẫn đến hậu quả là làm giảm sút niềm tin trong nhân dân. Do đó, đồng chí Lê Thanh Hải yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, đảng viên cần quán triệt, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí được xác định trong NQ Đại hội XI của Đảng và NQ TƯ 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Chú trọng cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống lãng phí với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém để tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác này.

Làm rõ thêm nội dung kết luận về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, đồng chí Lê Thanh Hải đề nghị tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về các nội dung sửa đổi để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định. “Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân của mình cùng với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết, kết luận của TƯ lần này, tham gia tích cực vào việc quán triệt trong nội bộ và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong đoàn viên, hội viên, nhân dân và sớm đưa các nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống”, đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh. 

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục