Đất lấn biển - xu thế của tương lai- Bài 2: Những thách thức

Đất lấn biển - xu thế của tương lai- Bài 2: Những thách thức

(SGGP-12G).- Các công trình lấn biển đã góp phần đáp ứng nhu cầu về nhà ở và phát triển kinh tế con người. Tuy nhiên, trong khi chinh phục tự nhiên, con người cũng phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn về môi trường và xã hội.

Những hệ lụy về môi trường và xã hội

Đất lấn biển - xu thế của tương lai- Bài 2: Những thách thức ảnh 1
Sân bay quốc tế Kansai lún 11,5m kể từ khi xây dựng năm 1987

Không phải ngẫu nhiên Chính phủ Hàn Quốc lại bỏ nhiều công sức và tiền của cho công trình lấn biển ở Saemangeaum đến vậy. Như giải thích của Alexander D’Hooghe, kiến trúc sư người Bỉ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tham gia cuộc thi thiết kế và quy hoạch cho khu đất lấn biển mới của Hàn Quốc: “Đối với những quốc gia nhỏ, có nhiều đồi núi và đã có mật độ dân số đông như Hàn Quốc, việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng lớn rất phức tạp, vì khi đó chính phủ buộc phải trưng dụng nhà cửa của rất nhiều người dân. Sẽ đỡ mất thời gian và tiền bạc hơn nếu xây dựng mới các công trình trên mặt nước”.

Tuy nhiên, giải pháp này không phải không có những hạn chế. Ngay từ khi kế hoạch xây con đập dài 53km ở Saemangeaum được bắt đầu, rất nhiều tổ chức bảo vệ môi trường đã lên tiếng phản đối. Các cuộc biểu tình và kiện tụng đã diễn ra, khiến công trình hai lần bị đình hoãn vào các năm 2003 và 2005 sau các phán quyết của tòa án hành chính Seoul.

Theo giải thích của một số tổ chức bảo vệ môi trường, con đập là một tai họa đối với môi trường bởi vì khu vực ngập nước rộng lớn này là một kho đa dạng sinh học khổng lồ. Vùng đất bùn là nơi trú ẩn của hàng trăm ngàn loài chim sống ở vùng bùn lầy, còn các đầm nước là nơi sinh sống của khoảng 160 loài cá, các loài cua và tảo biển. Các loài động vật đang bị đe dọa như chim rẽ gà con, chim ác là, chim moòng biển Saunders, chim choắt đốm, chim rẽ Anadyr… cũng sẽ mất đi một điểm dừng quan trọng trên tuyến đường di cư của mình.

Bên cạnh các vấn đề về sinh thái và ô nhiễm môi trường, khoảng 25.000 ngư dân Hàn Quốc kiếm sống nhờ hoạt động đánh bắt ở vùng đầm lầy cũng sẽ mất đi nguồn thu nhập đáng kể. Bà Kim Yeon-Ok, 72 tuổi, sống bằng nghề bắt tôm, cua, cá ở Saemangeaum từ khi còn nhỏ, cho biết bà được chính phủ trợ cấp 80.000 won (khoảng 7.500 USD) nhưng tiêu hết ngay. Người ta ngờ rằng khoản tiền 400.000 USD đền bù cho ngư dân sống quanh Saemangeaum cũng có số phận tương tự và đời sống của họ sẽ gặp khó khăn sau khi vùng đầm lấy biến mất...

Giải tỏa những mối lo

Để giải tỏa mối lo của các tổ chức bảo vệ môi trường, kiến trúc sư Alexander D’Hooghe cho biết các nhà quy hoạch đô thị sẽ cố gắng giảm thiểu những tác động tiêu cực mà công trình lấn biển có thể gây ra. Chẳng hạn, các kiến trúc sư và các nhà quy hoạch đô thị sẽ cho hình thành các khu đầm lấy mới và liên kết với công viên quốc gia ở vùng lân cận.

Các nhà quy hoạch và kiến trúc sư cũng sẽ quan tâm tới yếu tố phát triển bền vững khi quy hoạch vùng đất lấn biển này. Chẳng hạn, năng lượng sẽ được sử dụng hiệu quả hơn nhờ phân tán các thành phố trên toàn vùng đất lấn, cho phép thu ngắn khoảng cách giữa nơi ở với nơi làm việc; hoặc định hướng các tòa nhà và các tuyến phố nhằm tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tái sinh và hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ; sẽ có những khu vực được định hình nhưng không xác định chức năng nhằm tạo sự linh hoạt trong sử dụng trong hàng trăm năm sau…

Giống như Hàn Quốc, công quốc Monaco nhỏ bé - vốn đang “nghẹt thở” với diện tích chỉ vỏn vẹn 2km² - cũng tìm cách mở rộng thêm 15ha ra biển Địa Trung Hải nhưng với các giải pháp tôn trọng hệ sinh thái biển. Thành phố giao cho các kiến trúc sư có uy tín hàng đầu thế giới việc thiết kế khu lấn biển mới với chi phí lên tới 8 tỷ euro. Nếu như quá trình đô thị hóa được thực hiện từ những năm 1960 - giúp thành phố “ăn ra” được 30ha - chủ yếu dựa vào việc bồi đắp, thì việc mở rộng sắp tới của Monaco sẽ ưu tiên những bộ cọc nhà sàn hoặc phao nổi, nhằm bảo tồn các loại rong rơm của khu bảo tồn Larvotto và loài san hô đỏ vùng vách đá ở bờ biển Spélugues.

Về phần mình, trước bối cảnh các công trình lấn biển gia tăng ở cảng Victoria của Hồng Công (Trung Quốc), làm mất cân bằng về quy hoạch, thu hẹp khu cảng dẫn tới gây tắc nghẽn giao thông biển, đồng thời phá vỡ cảnh quan, làm ô nhiễm môi trường và nguồn nước,… ngay từ năm 1997, các nhà lập pháp ở Hồng Công đã thông qua Sắc lệnh bảo vệ Hải cảng. Nhờ sắc lệnh này, cảng Victoria được bảo vệ và gìn giữ như một tài sản công đặc biệt và một di sản tự nhiên của Hồng Công.

Có an toàn?

Tại Singapore, khoảng 20% diện tích mới của quốc đảo này là đất lấn biển. Theo ông Fan Sau Cheong, giảng viên khoa công trình tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, vùng đất lấn biển được hình thành từ cát biển nên nếu động đất xảy ra, các công trình sẽ bị tác động mạnh hơn so với các công trình ở vùng đất tự nhiên, vốn vững chắc hơn. Thậm chí, các công trình ở vùng đất lấn biển có thể bị lắc nhiều gấp 2 đến 3 lần so với ở vùng đất tự nhiên, bởi vì khi động đất, cát ở vùng đất lấn khi bị ngập trong nước chuyển động giống như chất lỏng - tiến trình này được gọi là “hóa lỏng”.
 
Các kỹ sư cũng giải thích rằng vùng đất lấn biển luôn có xu hướng bị lún xuống do những khó khăn trong việc gắn kết cát và hút nước lưu lại bên trong vùng đất lấn. Sân bay quốc tế Kansai của Nhật Bản - sân bay đầu tiên trên thế giới được xây dựng trên đất lấn biển - đã lún 11,5m kể từ khi được xây dựng năm 1987.

Tuy nhiên, các công trình xây dựng trên đất lấn sẽ không bị chìm nếu được hỗ trợ bằng cột thép hoặc cột bê tông đóng sâu dưới đáy biển, cho dù các đường phố xung quanh tòa nhà có thể bị lún theo sự lún sụt của cả vùng đất lấn. Nói cách khác, hoàn toàn có thể sống ở các tòa nhà được xây dựng đúng tiêu chuẩn ở vùng đất lấn biển mà không lo một buổi sáng nào đó thức dậy, thấy mình bị chìm trong nước.

Hà Vy (tổng hợp)

Bài 1: Thẳng tiến ra biển!

Tin cùng chuyên mục