Người nghèo vay vốn nhỏ - Không chỉ màu hồng!. Bài 2: Giả danh thương người nghèo

Người nghèo vay vốn nhỏ - Không chỉ màu hồng!. Bài 2: Giả danh thương người nghèo

(SGGP-12G).- Hiện đang có một tầng lớp “xóa nghèo mới”, như Shafiqual Haque Choudhury, người lập Tổ chức ASA để cạnh tranh với Grameen. ASA không sử dụng nhiều nhân viên nữ và chỉ có nhân viên nam mới có quyền cho vay vốn. Người nhận vay có thể là đàn bà nhưng người thu nợ phải làn đàn ông, để bảo đảm nhận về đủ số tiền vốn và lãi.

Yunus và Choudhury đều là người Bangladesh, nỗ lực giúp người nghèo có cuộc sống khá hơn. Hai người có thể làm việc hiệu quả nếu hợp tác với nhau nhưng họ không ưa nhau chỉ vì một câu hỏi: Người ta liệu có thể làm giàu trên sức lao động của người nghèo từ vốn vay nhỏ? Yunus nói không thể nhưng Choudhury cho rằng có thể.

“Việc của đàn ông”

Người nghèo vay vốn nhỏ - Không chỉ màu hồng!. Bài 2: Giả danh thương người nghèo ảnh 1

Đừng mong trốn nợ với ASA

Choudhury làm việc như một ông trung sĩ nghiêm khắc, không như Yunus được xem là một người giàu tình bác ái. Có bằng cấp về xã hội học, Choudhury thích làm việc kiểu ra lệnh của sĩ quan quân đội và ASA - chỉ được xem là một tổ chức phi chính phủ (NGO) - chỉ cần ít nhân viên, không cần trụ sở to rộng khiến phải tốn thêm tiền thuê bảo vệ (hai nhân viên phải trực đêm).

Choudhury tự hào mình đang điều khiển một tổ chức cho vay vốn nhỏ hiệu quả nhất. Tạp chí kinh tế Forbes năm 2007 xếp ASA ở vị trí đầu bảng trong hơn 600 tổ chức, ngân hàng trong khi Grameen chỉ xếp hạng 17. Choudhury treo bản sao danh sách này trong một khung lộng kính bên ngoài văn phòng mình. Trên thực tế, ông “cọp-pi” cách làm của Yunus nhưng thay đổi nhiều điều và đó là lý do bà Ratna Akhtar không vay của Grameen nữa, chuyển qua vay của ASA.

Người phụ nữ này sống ở vùng quê, chỉ sở hữu ít đất và vài con bò. Bà bán nông sản ra chợ làng và nơi này chuyển hàng lên chợ đầu mối. Nhà Akhtar cũng khá tươm tất, 2 phòng ngủ, có ti vi, có ĐTDĐ và sổ tiết kiệm khoảng 63 USD. Mỗi tuần bà cùng 20 bà khác họp ở sân nhà để trả nợ vay cho nhân viên ASA. Con nợ không thể nào trốn vì nhân viên ASA sẵn sàng “cắm” trước cửa cho đến khi đòi được nợ mới thôi. Mức lãi Choudhury đặt ra là 25% và tỷ lệ trả nợ vay đạt 95%, tức ít hơn Grameen.

Báo cáo có thể sai

Choudhury cũng cấm nhân viên lập báo cáo với cấp trên về các khoản vay và trả nợ, vì cho rằng nhân viên có thể viết báo cáo sai hoặc “bọc đường”. Để kiểm soát, các giám đốc phải thường xuyên kiểm tra các chi nhánh, khiến sức ép dồn lên mọi nhân viên và giám đốc: Mỗi ngày họ phải hoàn tất công việc vì làm đêm cũng chẳng được trả tiền công. Choudhury tự hào việc mình điều hành một công ty không sử dụng một gram giấy nào, nói: “Vấn đề của hoạt động từ thiện là khiến người ta lười biếng và không còn trong sạch nữa”.

Choudhury trong hai năm rưỡi qua cũng đi khắp thế giới để gặp các chủ ngân hàng đầu tư và giám đốc các quỹ trợ cấp. Khi được biết ASA cho người nghèo vay tiền thì các nhân vật này “bái bai” ngay tắp lự, không chịu đầu tư cho ASA. Dù vậy, vài nhà đầu tư cũng nghe Choudhury giải thích về việc cho vay lấy lãi này, rồi cho ông ta mượn số tiền từ 100.000 đến 200.000 USD. Choudhury cáu: “Ít thế thì làm được gì ?”.

Vì Choudhury muốn lập một quỹ 125 triệu USD để lập chi nhánh ASA ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka và hứa sẽ trả lãi suất 10% mỗi năm trong 10 năm. “Kèo này thơm” nên Choudhury được như ý. Các nhà đầu tư của ông ta nay gồm nhiều quỹ trợ cấp lớn như ABP (Hà Lan), TIAA-CREF (Mỹ)...

Thực chất là cho vay nặng lãi

Và từ 4 năm qua, số tiền đầu tư nước ngoài vào chương trình cho vay vốn nhỏ đã tăng gấp 3 lần, từ hơn 1 tỷ lên 4 tỷ USD. Các “tân binh” gồm Credit Suisse, Morgan Stanley, Tập đoàn Bảo hiểm AXA (Pháp), Blackstone,  Carlyle Group. Các đơn vị này đều “khoái” ý tưởng có lãi trong việc giúp người nghèo. Các đơn vị này thường mượn danh nhân đạo để quảng bá thương hiệu chứ rất khó tìm được tính chất thương người của họ.

Ví dụ, ngân hàng cho vay vốn Compartamos của Mexico (điều trớ trêu là cái tên này có nghĩa “Hãy để chúng tôi chia phần”), nó được lập năm 1990 như một tổ chức cho vay vốn nhỏ, tiền vay từ các nguồn hiến tặng. Năm 2006, hai tổng giám đốc Carlos Danel và Carlos Labarthe chuyển Compartamos thành ngân hàng và đưa lên sàn chứng khoán từ ngày 20-4-2007. Nay Compartamos là ngân hàng có lãi nhất Mexico, chuyên cho người nghèo vay vốn nhưng với mức lãi 90%! 

Khoảng 850.000 phụ nữ Mexico trả đủ vốn và lãi và doanh số Compartamos đạt 55%. Hai ông TGĐ đều lưu ý cách làm của họ có lợi cho người nghèo và cả các nhà đầu tư. Nhưng từ khi Compartamos lên sàn đã bùng nổ tranh luận về việc cho vay vốn trở thành một công nghiệp có lãi, không còn tính chất nhân đạo nữa. Câu hỏi đặt ra: Một ngân hàng cho vay vốn có thể tính lãi suất bao nhiêu: 5%, 10% hay 20%?

Nói chung, các tổ chức cho vay vốn nhỏ lãi trung bình 7,5%. Choudhury lãi 14% với ASA dù lãi suất chỉ ít hơn 3% so với lãi suất của Yunus. Ông ta cũng nhận được sự ủng hộ của những nhà kinh tế học trẻ (chủ yếu là ở Mỹ). Họ không ích kỷ, cũng muốn giúp người nghèo và xem Yunus là nhà tiên phong chứ không là mô hình mẫu nữa. Với họ, câu trả lời cho câu hỏi “có thể làm giàu từ việc giúp người nghèo hay không?” là: “Yes!”.

Diên Phúc

>>Bài 1: Từ một ý tưởng tốt

Tin cùng chuyên mục