Đại học Harvard trong sóng gió khủng hoảng- Bài 1: “Đầu vào” khác biệt, “đầu ra” đồng nhất

Đại học Harvard trong sóng gió khủng hoảng- Bài 1: “Đầu vào” khác biệt, “đầu ra” đồng nhất

Hằng năm, Trường Quản trị doanh nghiệp Harvard Business School (HBS, Boston, Mỹ - sau đây gọi tắt là Harvard) tiếp nhận 900 sinh viên mới. Để có được số này, năm 2008, nhà trường đã phải tuyển chọn từ 7.500 hồ sơ.

Sinh viên nước ngoài chiếm 1/3 lượng sinh viên mỗi khóa, được HBS “phát hiện” nhờ 5 “ăngten” của trường đặt tại California (Mỹ), Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản), Hồng Công (Trung Quốc) và Bombay (Ấn Độ). “Trạm” thứ 6 ở Thượng Hải (Trung Quốc) sẽ được mở nay mai.

Ngoài việc cấp bằng quản trị doanh nghiệp cho sinh viên sau 2 năm học, HBS còn đào tạo khoảng 100 tiến sĩ mỗi năm và có những khóa học chuyên môn ngắn ngày dành cho những nhà quản lý đã có kinh nghiệm. “Khẩu hiệu” của nhà trường là “Đào tạo những nhà lãnh đạo (có thể) làm nên sự khác biệt”…

Sự khác biệt một thế kỷ

“Cách đây một thế kỷ, trường chúng tôi được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết cơn khủng hoảng tài chính nghiêm trọng xảy ra lúc ấy. Lần này cũng vậy, nước Mỹ cần chúng tôi còn hơn cả trước khi xảy ra khủng hoảng, để chúng tôi có thể đào tạo tốt hơn nữa những nhà lãnh đạo tương lai cho nước Mỹ” - Jay Light, hiệu trưởng ngôi trường quản trị doanh nghiệp nổi tiếng nhất thế giới, nói. Nhưng ông không thể không biết rằng HBS hiện đang trở thành một đề tài tranh cãi, không chỉ ở bên ngoài mà cả trong nội bộ trường. Cuối tháng 5, ông đã phải tổ chức một hội thảo tập hợp toàn thể giảng viên để cùng suy nghĩ về những thay đổi mà nhà trường cần tiến hành dưới ảnh hưởng của cơn khủng hoảng kinh tế.

HBS được thành lập vào năm 1908, sau “cơn kinh hoàng của các nhà băng”. Khi ấy người ta hy vọng rằng nó sẽ chỉ ra “con đường sáng” cho nền kinh tế (thoát khỏi khủng hoảng). Một thế kỷ sau, điểm khác biệt là giờ đây người ta nghi ngại rằng ngôi trường khó còn có thể làm được chuyện đó, bởi HBS bị coi là một trong những “tác giả” phải chịu trách nhiệm về “cơn địa chấn tài chính” diễn ra ngày nay.

Cùng với Trường Đại học kinh tế Chicago (Mỹ), HBS là người khởi xướng những lý thuyết giúp cho “trái bóng bất động sản” được bơm căng phồng. Nói cho công bằng, tất cả các trường đào tạo quản trị doanh nghiệp (ở Mỹ) đều bị trách cứ là đã cung cấp “vũ khí” tri thức cho các quản trị gia. Nhưng với vị trí đặc biệt của mình, Harvard bị “chĩa mũi nhọn” nhiều hơn cả. 

Trường Harvard Business School

Trường Harvard Business School

Biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Mỹ

Cùng với Wall Street, HBS được coi là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Những chỉ trích nhằm vào Harvard có thể chia làm hai nhóm. Thứ nhất, rằng Harvard đã tự giam mình trong một “cái nhìn duy nhất” - quan điểm kinh tế siêu tự do (ultraliberal). Tại sao số hiếm những người nhìn thấy trước được cơn khủng hoảng - như Nouriel Roibini (Đại học New York), George Akerlof (Đại học Berkeley) hay Robert Shiller (Đại học Yale) - lại đều là các nhà nghiên cứu kinh tế mà không phải là các chuyên gia quản trị kinh doanh?

Ông Jay Light đáp: “Không ai dự đoán trước được cơn khủng hoảng này”. Còn giáo sư quản trị Mauro Guillen thuộc Trường Doanh nghiệp Wharton ở Philadelphia thì tìm cách lý giải: “Những người “ngoài cuộc” có lợi thế nhờ khoảng cách” (ý nói, người đứng ngoài quan sát thì “sáng” hơn người bên trong). Một lập luận được cho là đáng ngạc nhiên, bởi các nhà tài chính cho tới lúc ấy vẫn nói rằng họ làm chủ lĩnh vực của mình, hiểu nó “từ bên trong”. Thế mà nay, việc “ở trong cuộc” lại bị coi như là một điều bất lợi (để có thể nhận ra cơn khủng hoảng)… 

Thứ hai, rằng các nhà lý thuyết của trường phái nêu trên đã không chỉ cung cấp “vỏ bọc hàn lâm” cho mục tiêu “tối ưu hóa lợi nhuận của cổ đông” và cổ vũ “văn hóa mạo hiểm” mà bản thân còn thu lợi trong việc làm này. Ba thập kỷ qua, họ cũng được hưởng lợi khi mà nền tài chính từ chỗ chỉ chiếm 16% đã tăng lên chiếm tới 41% tổng các lợi nhuận thực hiện được trên nước Mỹ. Nhiều vị giáo sư của trường từng giữ những chức vụ quản trị, tư vấn trong các tập đoàn tài chính, kinh tế trước khi tham gia giảng dạy hoặc ngược lại.

Trên website của Harvard, lý lịch tóm tắt của Jay Light cho biết ông “là giám đốc nhiều công ty tư nhân, là cố vấn hay người quản lý các quỹ đầu tư”. Có người nhận xét: HBS hiện nay khá xa rời tôn chỉ mà vị hiệu trưởng đầu tiên của trường, Edward Gay, từng đặt ra là: Nhà trường phải dạy cách “thu được lợi nhuận thỏa đáng bằng cách làm danh chính”.

Khi được hỏi việc phân tích các trường hợp tiêu biểu về mối đe dọa của những yếu tố mạo hiểm mang tính hệ thống có được dạy trong trường không thì ông Light trả lời là “không”. “Ba mươi năm trước tôi có giảng dạy về mạo hiểm nhưng từ lâu rồi môn học này không tồn tại nữa”. Về sự điều tiết, ông thừa nhận “cần phải làm nhiều hơn” nhưng thêm rằng “sinh viên ngày càng ít quan tâm tới những bài giảng loại này”. Nếu sinh viên không thích thú thì môn học dần bị bỏ rơi. Óc đầu tư kinh doanh vốn thích sự mạo hiểm chứ không phải sự khuôn khổ.

“Thực tế là tất cả mọi người đều ngưỡng mộ hệ thống (kinh tài) mà Harvard muốn tự coi mình là tác giả chính” - Peter Tufano, giáo sư tài chính, phụ trách bộ phận kế hoạch ở văn phòng hiệu trưởng, nói. Ngay từ tháng 3, để rút ra những bài học đầu tiên từ cuộc khủng hoảng, ông đã tổ chức một cuộc họp giữa cán bộ nhà trường với 90 cựu sinh viên hiện đang giữ những chức vụ quan trọng ở các công ty. “Ai cũng đi tìm nguyên nhân của sự sụp đổ: Các khoản nợ, tín dụng dễ dãi, sự tham lam, thiếu điều tiết… Nhưng nguyên nhân độc nhất thì không có. Không có câu trả lời duy nhất”.

Theo ông Light, đi tìm nguyên nhân gây ra khủng hoảng không phải là việc cần làm trước mắt: “Điều mà tôi quan tâm bây giờ là nhìn về phía trước: Thay đổi HBS như thế nào để sinh viên của chúng tôi được đào tạo tốt hơn trở thành những người quản lý giỏi nhất”…

NGUYỄN VŨ (theo Le Monde)
(SGGP-12G)

>> Bài 2: Thay đổi để thích nghi với tương lai

Tin cùng chuyên mục