Vụ tấn công Brussels và nguy cơ khủng bố sân bay, nhà ga

Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận thực hiện vụ tấn công sân bay và ga tàu điện ngầm ở thủ đô Brussels ngày 22-3. Vụ tấn công này chỉ ra nguy cơ các sân bay, nhà ga bị khủng bố khai thác lỗ hổng để tấn công gây thương vong lớn.
Vụ tấn công Brussels và nguy cơ khủng bố sân bay, nhà ga

(SGGPO).- Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận thực hiện vụ tấn công sân bay và ga tàu điện ngầm ở thủ đô Brussels ngày 22-3. Vụ tấn công này chỉ ra nguy cơ các sân bay, nhà ga bị khủng bố khai thác lỗ hổng để tấn công gây thương vong lớn.

Ngày 22-3-2016, những kẻ khủng bố kích nổ 2 quả bom trong khu vực sảnh đi của sân bay Zaventem và một quả bom trong ga tàu điện ngầm Maalbeek ở Brussels, Bỉ, làm ít nhất 34 người chết và hơn 230 người bị thương.

Theo các chuyên gia, một trong những giai đoạn dễ bị tấn công nhất của an ninh hàng không là khi hành khách chờ đợi hành lý được kiểm tra rồi đi qua các máy dò kim loại. Lúc này, họ thường tập trung trong các khu vực thường ít được tuần tra và bất kỳ ai cũng dễ dàng tiếp cận.

"Chúng tôi bỏ qua lúc đó. Chúng tôi không quan tâm", Isaac Yeffet, cựu giám đốc an ninh của hãng El Al, hiện đang quản lý công ty riêng Yeffet An Security Consultants, trụ sở tại New York.

Douglas R. Laird, cựu giám đốc an ninh của hãng Northwest Airlines, hiện đứng đầu Laird & Associates Inc, cho biết: "Những khu vực đó thực sự không thể được bảo vệ". Chúng cũng tương tự như các ga tàu điện ngầm, trung tâm mua sắm hoặc bất kỳ không gian công cộng lớn nào khác. Và nếu sân bay được bảo vệ an ninh như vậy, "tất cả những gì sẽ xảy ra là người ta phải theo dõi xe lửa, xe buýt hay bất cứ gì khác", Laird nói.

Theo Laird, trọng tâm phải tập trung nhiều hơn là thông tin tình báo chống khủng bố trước khi chúng đến sân bay, vì không thể có cảnh sát ở mọi nơi.

Khu vực sảnh đi nhà ga sân bay Zaventem ở Brussels, Bỉ, tan hoang sau vụ đánh bom ngày 22-3-2016. Ảnh: NBC News

Theo AP, trong hơn 40 năm qua, cuộc chiến an ninh không ngừng diễn ra giữa các giới chức an ninh và các nhóm khủng bố.

Khi các chính phủ và các hãng hàng không làm cho việc cướp máy bay khó khăn hơn, những tên khủng bố đã tìm những cách thức mới để tiêu diệt máy bay. Chúng đặt bom trong hành lý đã kiểm tra cho đến khi việc soi chiếu túi xách trở thành quy chuẩn. Những tên không tặc trong vụ 11-9-2001 ở Mỹ đã vượt qua các biện pháp sàng lọc hành khách và sử dụng những con dao để cướp máy bay biến thành vũ khí khủng bố.

Từ sau vụ 11-9-2001, các trạm kiểm soát an ninh được thiết kế để ngăn những kẻ khủng bố và vũ khí tiếp cận máy bay, và phần lớn trạm này đã hoạt động hiệu quả.

Nhưng vấn đề khó khăn hơn khi chính sân bay trở thành mục tiêu của khủng bố.

Năm 1983, những kẻ khủng bố Armenia đặt một quả bom tại quầy check-in của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines tại sân bay Orly ở Paris, Pháp, giết chết 7 người và làm bị thương 55 người.

Chỉ 2 năm sau, những vụ tấn công gần giống diễn ra tại các quầy vé của hãng hàng không Israel El Al ở cả Roma, Italia, và Vienna (Áo) giết chết 18 người và làm bị thương 120 người.

Quầy vé hãng El Al ở Los Angeles, Mỹ, là mục tiêu tiếp theo vào năm 2002, một cuộc tấn công đã giết chết 2 người và làm bị thương 4 người.

Tại Moscow, Nga, đến lượt hành khách là mục tiêu trong một vụ đánh bom năm 2011 gần khu vực nhận hành lý, giết chết 36 người và làm bị thương hơn 180 người.

Các chuyên gia an ninh cho rằng chìa khóa để sàng lọc hiệu quả là tình báo và thay đổi liên tục các thủ tục để những kẻ khủng bố không thể dự đoán được.

"Sự ngẫu nhiên luôn luôn tốt. Những kẻ khủng bố không thích những thứ mà chúng không thể dự đoán được. Chúng muốn biết rằng mục tiêu là không được bảo vệ", theo Brian Jenkins, nhà phân tích an ninh cấp cao tại RAND Corp.

Jenkins nói thêm rằng sự hiện diện của nhiều cảnh sát sẽ là một cản trở và giúp phản ứng nhanh hơn với một cuộc tấn công.

Tại Mỹ, an ninh sân bay phức tạp bởi sự phân chia trách nhiệm. Thông thường, Cục An ninh Giao thông (TSA) sẽ xử lý sàng lọc hành khách và hành lý nhưng sân bay hoặc cảnh sát địa phương giám sát an ninh nhà ga sân bay, bãi đỗ xe và khu vực công cộng khác.

Cảnh sát được tăng cường tuần tra trong các nhà ga sân bay vào những lúc cần an ninh cao, thậm chí lúc đó hầu hết hành khách không tương tác với cảnh sát và không bị hỏi han gì cho đến khi họ tới các trạm kiểm soát.

Richard Bloom, giảng viên an ninh hàng không tại Đại học Embry-Riddle Aeronautical ở Florida, Mỹ, cho biết các lỗ hổng của sân bay ở bên ngoài trạm kiểm soát đã là chủ đề của nhiều cuộc nghiên cứu, đề xuất và đã dẫn đến một số thay đổi trong hoạt động sân bay. Tuy nhiên, tăng cường an ninh sân bay đòi hỏi chi phí nhân lực và tiền bạc.

Hành khách bị thương trong nhà ga sân bay Zaventem ở Brussels, Bỉ, bị đánh bom ngày 22-3-2016. Ảnh: PA

Tại sân bay Ben-Gurion ở Tel Aviv, Israel, tất cả xe bị dừng lại trên đường vào, các bảo vệ vũ trang kiểm tra xe và biển số xe được quét vào máy tính.

Các nhân viên an ninh vũ trang mặc đồng phục và nhân viên mật chốt bên trong và bên ngoài các nhà ga sân bay. Các camera, một số công khai, một số ẩn, bổ sung giám sát. Hành khách có thể bị kiểm tra và bị đặt câu hỏi về mục đích chuyến đi, thông tin cá nhân và hành lý.

Nhưng văn hóa Israel tập trung nhiều cho an ninh và Ben-Gurion là một sân bay nhỏ, nhỏ hơn sân bay nhỏ nhất trong 20 sân bay hàng đầu của Mỹ, xử lý 15 triệu hành khách mỗi năm, so với hơn 100 triệu hành khách ở sân bay Atlanta, Mỹ, sân bay tấp nập nhất thế giới.

Tại Mỹ, công chúng thể hiện thái độ không sẵn lòng trở thành đối tượng bị sàng lọc. Họ xem đó như hành vi bị xâm phạm.

Theo Peter W. Harris, Chủ tịch Công ty Tư vấn an ninh Yankee Foxtrot, các đội an ninh thực sự không phải là một ý tưởng tốt cho người đang vào sân bay. Ông đề nghị sàng lọc ngẫu nhiên hơn, nói chuyện với hành khách khi họ bước vào nhà ga sân bay và có chó nghiệp vụ phát hiện chất nổ tại các cổng vào.

"Vụ Brussels là một tiếng chuông cảnh báo. Nhưng người ta lại rất mau quên", ông Harris nói.

THIỆN NGUYỄN

>> Bỉ truy nã thủ phạm đánh bom sân bay

>> Ai tấn công Brussels?

>> Đánh bom tự sát hàng loạt ở Bỉ, ít nhất 26 người chết và 136 người bị thương

>> Brussels muốn nghe “Tôi an toàn

Tin cùng chuyên mục