Cứ chuẩn bị vào mùa tuyển sinh - mùa thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), phụ huynh lẫn học sinh lại cảm thấy “bội thực” với các thông tin liên quan đến tuyển sinh và chọn nghề - hướng nghiệp.
Phải thừa nhận sự vào cuộc rầm rộ và chủ động của các trường ĐH, CĐ phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, tổ chức xã hội đã tạo ra một không khí tuyển sinh thật đa dạng, phong phú. Những chương trình thiết thực như đưa thí sinh đến với trường học và giới thiệu trường học đến các địa phương… đã tiếp thị, tạo sức lan tỏa về thông tin tuyển sinh.
Nhằm hướng dẫn thí sinh, nhiều giảng viên, chuyên gia tư vấn của các trường ĐH, CĐ đã tận tình giải đáp thắc mắc, tư vấn, hướng dẫn học sinh hiểu rõ về thi cử và hướng nghiệp phù hợp với sở thích, sở trường. Tại một số buổi tư vấn tuyển sinh, học sinh được làm bài trắc nghiệm trên máy để quyết định việc đăng ký dự thi, chọn ngành nghề sẽ theo học.
Thế nhưng, nhìn lại chúng ta dễ thấy cách tổ chức, tư vấn cho học sinh lớp 12 vẫn theo lối mòn là chính. Việc tập trung một lúc hàng trăm đến cả ngàn học sinh để tư vấn, hướng nghiệp xem ra chưa hiệu quả lắm.
Đến hẹn lại lên - nước đã đến chân nhưng có rất nhiều học sinh vẫn cảm thấy mơ hồ hoặc băn khoăn, dao động trước khu “rừng rậm” đa ngành, đa nghề hiện nay. Vì thế, thí sinh thường có chung câu hỏi “Ngành gì hiện được coi là thời thượng? Học ngành nghề gì ra trường dễ tìm việc làm, lương cao? Lỡ học ngành này thì có thể chuyển sang ngành học khác được không?”.
Ngay cả việc tư vấn về ngành nghề mới cũng chưa lay động được sự yêu thích của thí sinh. Trong khi những ngành nghề được coi là “nóng” như kinh tế, tài chính, ngân hàng, y dược… được tư vấn nhiều nhất thì một số ngành nghề liên quan đến các môn đang cần tuyển dụng nhiều như: nhân viên cộng đồng, tư vấn tâm lý, bảo vệ môi trường, an toàn cá nhân (vệ sĩ)… ít được các chuyên gia hướng nghiệp chuyên sâu.
Do tư vấn chưa sâu và chưa thấm vào học sinh, nên có không ít ngành nghề mới mở ra chiêu sinh không đủ chỉ tiêu, nên thí sinh trúng tuyển đành phải học ghép hoặc học trái ngành. Mặt khác, do bị cuốn vào “ảo giác”, hấp dẫn của những ngành học mới trong khi bản thân thí sinh chưa tìm hiểu kỹ đặc thù của nó có phù hợp với khả năng của mình hay không, nên thí sinh cứ đăng ký thi.
Kết quả là các tân sinh viên có thể bị vỡ mộng ngay năm học thứ nhất. Đó chính là những vị đắng trong tuyển sinh, hướng nghiệp theo mùa ngắn hạn, thiếu chiều sâu. Vì mục đích tuyển sinh chạy theo số lượng, nhiều trường ĐH, CĐ đã vẽ ra viễn cảnh học lẫn cơ hội tìm việc dễ dàng nên khi cọ xát với môi trường học thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, nhiều tân sinh viên phải ngậm bồ hòn, cố đi hết hành trình.
Từ thực tế này, xã hội và ngành giáo dục nên xem lại cách tư vấn hướng nghiệp theo mùa như hiện nay. Dư luận và các nhà giáo dục đã cảnh báo về “lỗ hổng” trong tư vấn, hướng nghiệp ở các trường học. Không được quan tâm đúng nghĩa và chưa đủ chiều sâu, khi đến sát thời điểm phải quyết định học cái gì và chọn nghề gì cho tương lai, cả học sinh lẫn phụ huynh đều lúng túng.
Vậy chúng ta phải trách ai và ai chịu trách nhiệm trong hành trình định hướng nghề nghiệp tương lai cho các công dân trẻ theo sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời hội nhập? Thế giới phẳng - thời công nghệ số, mọi thứ đều thay đổi nhanh như vũ bão. Vì thế, những ngành nghề được dự báo, định hướng khi mới vào học trong năm nay có thể lạc hậu sau vài năm tới.
Thời toàn cầu hóa, thị trường lao động luôn biến động, đòi hỏi tính năng động, đa năng, dễ thích ứng của người lao động. Vì thế, quan niệm học mãi một nghề, làm mãi một ngành, một công việc cần phải được nhìn nhận và tư vấn ra sao để lớp trẻ chuẩn bị hành trang vào đời một cách linh hoạt, thích ứng với biến động của nền kinh tế thị trường?
Bài học từ cơn khủng hoảng tài chính thế giới mới đây đã cảnh tỉnh người lao động thời mất việc làm. Rơi vào vòng xoáy này, nhiều lao động nhận ra phải năng động, nhiều kỹ năng và thích ứng nhanh với sự thay đổi của công việc thì mới dễ dàng hòa nhập vào thị trường lao động thời cạnh tranh khốc liệt. Như thế, để chuẩn bị nguồn nhân sự đáp ứng sự phát triển năng động của thị trường lao động, chúng ta phải định hướng nghề nghiệp tương lai cho công dân trẻ một cách khoa học, bài bản.
KHÁNH HÀ