Náo nức đón đợi, một mùa hè lại đến với tuổi học trò. Sau những ngày căng thẳng, hối hả với áp lực của chuyện học hành, thi cử, chúng ta có thể làm gì để giúp các em vui chơi và giúp bồi đắp, làm giàu có thêm cho tâm hồn non trẻ trong những ngày hè thư thả? Chắc hẳn các bậc phụ huynh đều có chung một câu trả lời: việc đọc sách là ưu tiên hàng đầu.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ mở ra rất nhiều kênh giải trí níu kéo các em, thật phong phú và hấp dẫn song cũng khá hỗn mang giữa hay dở, tốt xấu và tiềm ẩn đầy rẫy nguy cơ độc hại. Thực tế ấy đòi hỏi một trách nhiệm cao của lớp người đi trước trong việc dẫn dắt, định hướng, giúp các em chọn lọc, từ phim ảnh, truyền hình, đến chuyện học nghệ thuật, thể thao, giải trí trên mạng và đặc biệt là chuyện đọc sách.
Internet nếu được khai thác theo hướng tích cực, sẽ là thư viện với khối lượng kiến thức khổng lồ, và cũng là sân chơi khá lý thú... Cũng như thưởng thức văn học nghệ thuật nói chung, đọc không chỉ giúp các em thanh lọc, nuôi dưỡng tâm hồn mà còn giúp lớp trẻ mai này hòa nhập với xã hội hiện đại tốt hơn. Dịp hè, khi các em không bị áp lực học sẽ là thời gian lý tưởng để đánh thức nhu cầu đọc, xây dựng một nền văn hóa đọc lành mạnh, hướng các em đến những điều tốt đẹp, sống lương thiện và nhân ái. Đã có bao cuốn sách, những tác phẩm văn học ảnh hưởng sâu đậm đến tư tưởng, tâm lý xã hội của nhiều thế hệ.
Trong những đứa con tinh thần của mình, các nhà văn đã để lại cho độc giả những gì tinh túy nhất, là món quà tặng tâm hồn, giúp chúng ta biết trân trọng cuộc sống, hoàn thiện nhân cách. Sách cũng là người thầy, người bạn chân tình cho chúng ta những lời khuyên của cuộc sống. Đọc để biết cách mỉm cười trước những nghịch cảnh, biết vượt qua và xóa bỏ những nghịch lý của cuộc đời và nhắc nhở ta cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đừng bao giờ đánh mất giá trị của mình… Khuyến khích sự đọc, nhưng đọc gì, đọc như thế nào… chúng ta cũng không thể buông xuôi theo sở thích của các em. Chính người lớn sẽ giúp các em hứng thú tìm ra những thông tin quý giá, dành thời gian cho những sản phẩm văn hóa nghệ thuật, cũng như các cuốn sách có giá trị…
Nếu có dịp tham quan nước ngoài, đi đâu trên xe buýt, tàu điện ngầm, hay quán cà phê, người ta cũng bắt gặp hình ảnh người dân cặm cụi say mê đọc sách. Để có sự say mê đọc như thế, phải là vấn đề giáo dục ngay từ nhỏ, trong mỗi nếp nhà, trường học. Nếu như hôm nay chúng ta không chăm chút, gieo mầm cho các em - những hạt giống của tương lai, thì chúng ta lại tiếp tục nhận những thông điệp buồn và trong tương lai không xa, lại xuất hiện trong lớp trẻ, những gương mặt, những cuộc đời bị “đánh cắp” trong các bar, vũ trường, quán xá và lại bắt gặp những công chức chây lười, ích kỷ, tiêu phí thời giờ nhà nước vào những trò tiêu khiển vô bổ. Hãy đọïc, thẩm thấu và biến tri thức thành của riêng mình. Đọc để biết sẻ chia chân thành, biết thể hiện vai trò của mình trước các vấn đề thời cuộc, sống có ích cho người khác, cho cộng đồng.
Trần Ngọc Vy