“Anh còn nợ em công viên ghế đá…”, tiếng ca não lòng của cô bé nhà kế bên làm “thức tỉnh” nhóm bạn đang ngồi tám chuyện chưa biết làm việc gì cho đỡ buồn. Thế là ngay lập tức, chiếc loa kéo được đẩy ra, hai chiếc micro được kết nối bluetooth và một bên là ca khúc “Anh còn nợ em”, còn một bên thì ca khúc “Đắp mộ cuộc tình”, rồi lại một loạt ca khúc khác cứ thế tiếp tục “tra tấn” xóm làng. Dư luận đã lên tiếng, nhưng xem ra loại hình ca hát tại gia này ngày càng lan rộng.
Mạnh ai nấy sắm
Nghe nhà bên này vừa mua dàn loa mới gần cả chục triệu đồng, mấy bữa sau lại nghe tiếp nhà bên kia rục rịch gắn thêm cặp loa cỡ đại nữa chỉ để “hát nghe cho đã”. Thế là cả xóm nhỏ nhà nào nhà nấy bước vào cuộc đua sắm dàn karaoke.
Chiều chiều, ngồi tán dóc với nhau, hễ có ai khoe mới mua cặp loa, ampli, micro xịn là cả xóm nhỏ chộn rộn hỏi giá, rồi hiệu gì, chạy qua coi tận mắt, coi xịn tới cỡ nào, để nhà mình có sắm phải xịn hơn. Cái chuẩn xịn hơn thì không biết cỡ nào, nhưng hễ loa nhà nào hát lớn, mỗi lần mở lên rần rần cả xóm như có đám cưới thì đó là... xịn!
Chỉ vô dàn karaoke đầy đủ ampli, micro và cặp loa lớn nằm chễm chệ ngay phòng khách, nói về chuyện sắm dàn máy xịn để phục vụ nhu cầu ca hát tại gia, chị K.T. (35 tuổi, ngụ ấp 2, xã Quy Đức, huyện Bình Chánh) cho hay: “Ăn xài nhiêu mà không hết, mua dàn máy để hát chơi cho vui nhà vui cửa”.
Không chỉ cho vui nhà vui cửa, gia đình chị H. gần đó dường như còn có niềm đam mê bất tận với chuyện ca hát. Anh V.N. (chồng chị T.H.) hớn hở nói: “Hôm qua, nghe con gái nói loa nghe chưa ấm, ít bữa tính mua thêm dàn lọc âm thanh để mấy mẹ con hát cho đã. Còn tui chiều mắc đi làm, tối mới mở lên nhoi chút”.
Nhưng dường như hát karaoke tại nhà vẫn chưa đủ thỏa mãn nhu cầu ca hát của nhiều người, nhất là trong mấy cuộc nhậu chén chú chén anh, ngà ngà say, mạnh ai nấy hát theo kiểu không đầu, không đuôi và không biết hồi kết. Xài chiếc loa hát di dộng được lòng nhiều người hơn vì sự tiện dụng của nó.
Chỉ cần điện thoại tầm trung kết nối với loa qua bluetooth là có thể thỏa thích hát. Chừng 3 triệu đồng trở lại là có đủ loại loa lớn, nhỏ để khách mua lựa chọn.
Đang dọn bàn chuẩn bị lai rai cuối tuần, anh V.C. (thợ hồ, 40 tuổi, ngụ quận 8) cho hay: “Mới mấy bữa trước nhậu chung, ổng khoe mua cái loa để trong nhà hát cho vui, mỗi lần hát mở lớn cả xóm đều nghe. Nay sẵn cuối tháng lãnh lương, mấy anh em làm hồ tụi tui gom lại mua cái loa hát chơi cho ổng biết, ổng mua được, tụi tui cũng mua được”.
Mạnh ai nấy hát
Hết nhạc xập xình tới nhạc linh đình, ai thích nhạc gì, bài nào thì cứ bật lên “khoe giọng”. Cả nhà cùng hát, thậm chí mấy đứa nhỏ mới lớp 2, lớp 3 cũng tập tành làm ca sĩ.
“Mỗi lần mở máy hát là tụi nhỏ đòi hát theo, thôi kệ tập cho nó quen, mốt đi đâu còn biết hát hò với người ta”, chị N.H. (42 tuổi, ngụ ấp 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) nói. Cũng không biết tương lai sẽ hát hò tới đâu, nhưng hiện tại hàng xóm phải chịu đau đầu bởi những “giọng ca nhí” này.
Chuyện hát karaoke không chỉ để giải trí, thư giãn mà đôi khi còn là câu chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy”. Mạnh ai nấy hát, loa mở lớn thả ga chỉ nhằm mục đích dập nhà bên kia. “Nhà tôi ở giữa nên nghe hết, vợ chồng, con cái ai cũng nhức đầu. Một bên thì hát nhạc tình, nhạc sến, còn bên kia thì chơi nhạc trẻ. Hễ bên này mở lớn hơn chút thì bên kia cũng vậy.
Nhà san sát, nhiều khi nói chuyện còn nghe, mở nhạc kiểu này nhà tui phải đóng cửa riết, đóng cửa rồi mà vẫn còn lùng bùng lỗ tai. Có bữa tôi cũng qua nói mở nhỏ lại chút cho tụi nhỏ học bài, nhưng nhà người ta thì người ta hát, mình nói hoài cũng ngại”, cô K.V. (ngụ phường 5, quận 8) thở dài với câu chuyện hát karaoke của hàng xóm. “Kinh khủng nhất là mấy ông say xỉn. Mấy ổng kéo loa ra sân lè nhè hát, mạnh ai nấy hát, cả xóm bị “tra tấn lỗ tai”, chị K.O (ngụ phường 1, quận 5) than thở.
“Lần nào họp tụi tui cũng nhắc bà con, hát thì không ai cấm nhưng chú ý chỉ mở âm thanh vừa nghe, tránh mấy giờ hàng xóm nghỉ ngơi ra. Nhưng nhắc thì nhắc, mà muốn hát là hát, nhắc hoài đâm chán”, ông V.B. (48 tuổi, tổ trưởng khu phố 3, phường 5, quận 8) cho hay.
Không ít lần đứng ra phân xử chuyện hát karaoke gây mất trật tự trong xóm, ông N.D. (57 tuổi, tổ trưởng tổ 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh), ngao ngán: “Có nhà hát lớn quá, hàng xóm chịu không nổi kêu tổ trưởng qua nhắc nhở dùm. Có khi hai bên cãi nhau, tổ trưởng phải tới can thiệp cũng bởi chuyện hát karaoke gây ồn…”.
Không chỉ trong gia đình, đám tiệc, hát hò bằng loa di động mà nó đã “lan” qua đám tiệc, hội họp cấp… khu phố. Lễ lạt kỷ niệm 19 giờ 30 mới bắt đầu nhưng từ 16 giờ, dàn loa kéo đã ì đùng. Sau phần tặng quà, là đến nhập tiệc và… hát vòng.
Danh sách đăng ký mấy chục tiết mục, cứ thế tra tấn chòm xóm tới khuya. Riết rồi chuyện hát hò từ chỗ chỉ để thư giãn tại nhà, nay đã trở thành chuyện của cả tổ dân phố.
Với tốc độ lan nhanh của đô thị hóa, chẳng mấy chốc sẽ càng xuất hiện những khu dân cư, chung cư, xóm ấp chuẩn… “karaoke hóa”. Đây là hiện tượng đáng buồn, cần sớm được điều chỉnh.