Kè chống sạt lở nhiều năm chưa nghiệm thu vì không biết bàn giao cho ai

Xác định hư hỏng do bão nhưng chủ đầu tư vẫn yêu cầu nhà thầu bỏ chi phí 1 tỷ đồng để sửa chữa. Dự án kè chống sạt lở dù thi công xong nhiều năm nhưng chưa nghiệm thu, bàn giao do UBND tỉnh Kon Tum chưa phân cấp đơn vị quản lý.
Kè bị sạt lở

Kè bị sạt lở

Liên quan đến kè chống sạt lở sông Pô Cô tan nát khi chưa nghiệm thu, bàn giao, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Kon Tum (chủ đầu tư) đã làm việc với PV Báo SGGP về hướng khắc phục.

Bị sụt lún

Bị sụt lún

Theo ông Trần Ngọc Tuấn, gói thầu hư hỏng do liên danh Công ty TNHH Tuấn Dũng - Công ty Cổ phần Tân Hưng - Công ty TNHH MTV Tấn Vĩ (Kon Tum) thi công, hoàn thành vào cuối năm 2021, đúng tiến độ gói thầu. Tuy nhiên, trong lúc chờ nghiệm thu, bàn giao thì vào tháng 10-2022, kè bị hư hỏng với giá trị thiệt hại 1 tỷ đồng. Vị trí hư hỏng do Công ty TNHH Tuấn Dũng (325 Phan Đình Phùng, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) thi công.

Nguyên nhân hư hỏng không phải do nhà thầu thi công kém chất lượng mà do bão lũ làm hư. Hiện dự án chưa nghiệm thu, bàn giao nên trách nhiệm sửa chữa vẫn thuộc về nhà thầu.

Chân mái sạt lở hoàn toàn

Chân mái sạt lở hoàn toàn

“Công ty TNHH Tuấn Dũng là doanh nghiệp lớn, mạnh. Nhà thầu sẽ đào chỗ sạt lở để đắp, tấm lát trôi thì nhặt và lát lại. Công ty này sẽ bỏ ra 1 tỷ đồng để sửa, cố gắng 1 tháng là khắc phục xong hư hỏng”, ông Tuấn nói.

Trả lời về việc vì sao không yêu cầu nhà thầu khắc phục ngay khi xảy ra hư hỏng mà tận 7 tháng sau mới yêu cầu, ông Tuấn cho rằng, khi phát hiện hư hỏng do bão, chủ đầu tư đã có văn bản gửi ngành chức năng xin hỗ trợ khắc phục. Nhà thầu ỷ lại sẽ xin được kinh phí khắc phục do thiên tai nhưng cuối cùng không được duyệt. Giờ chưa nghiệm thu, bàn giao nên trách nhiệm sửa chữa vẫn thuộc về nhà thầu nên đã yêu cầu khắc phục.

Công nhân khắc phục bằng việc trét lại hồ vữa

Công nhân khắc phục bằng việc trét lại hồ vữa

Cũng theo ông Tuấn, gói thầu thi công xong vào cuối năm 2021 nhưng đến nay chưa thể nghiệm thu, bàn giao. Nguyên nhân có nhiều, trong đó lý do chính là UBND tỉnh Kon Tum chưa có văn bản phân cấp đơn vị quản lý nên chủ đầu tư không biết bàn giao dự án cho ai. Lý do phụ khác là UBND huyện Đắk Glei đổ đất ra kè.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một kỹ sư xây dựng đang làm công tác quản lý các công trình xây dựng các dự án liên quan đến thuỷ lợi cho rằng, không thể nói kè bị sạt lở hoàn toàn do bão. Kè chống sạt lở thì khi thiết kế, đã tính toán đến yếu tố ảnh hưởng bão lũ từng cấp độ, từng giai đoạn, nên không thể cứ bão vào là hư hỏng.

Để tránh lãng phí ngân sách đầu tư, cấp thẩm quyền cần yêu cầu cơ quan chuyên môn phối hợp với chủ đầu tư, tư vấn thiết kế rà soát hồ sơ khảo sát, thiết kế các giai đoạn; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư kiểm định chất lượng công trình để xác định nguyên nhân hư hỏng và đưa ra giải pháp khắc phục.

Phần lát mái đã bị cuốn bay

Phần lát mái đã bị cuốn bay

Như Báo SGGP đã phản ánh, kè chống sạt lở sông Pô Cô có mức đầu tư 93 tỷ đồng, thi công từ năm 2009. Quá trình triển khai bị gián đoạn do thiếu vốn. Đến nay, Kon Tum đã chi 37 tỷ đồng để triển khai kè nhưng dù chưa nghiệm thu, có đoạn đã hư hỏng.

Tin cùng chuyên mục