Kết thúc tháng “Vệ sinh an toàn thực phẩm”: Hàng rong vẫn tái diễn

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”
Kết thúc tháng “Vệ sinh an toàn thực phẩm”: Hàng rong vẫn tái diễn

Tháng “Vệ sinh an toàn thực phẩm” do UBND TPHCM phát động từ ngày 15-4 đến 15-5-2010 đã khép lại với nhiều chiến dịch dọn dẹp lòng lề đường, xóa bỏ hàng rong trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên sau hơn 1 tháng hành động, tình trạng buôn bán hàng rong nhếch nhác vẫn tái diễn…

Cảnh bán cháo và quần áo trước Bệnh viện Chợ Rẫy (ảnh chụp ngày 1-6-2010). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Cảnh bán cháo và quần áo trước Bệnh viện Chợ Rẫy (ảnh chụp ngày 1-6-2010). Ảnh: ĐỨC TRÍ

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

Ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học (quận 1) từ lâu được biết đến là một trong những điểm nóng về ùn tắc giao thông. Khu vực này tập trung nhiều trường học và một trung tâm mua sắm điện máy nên mỗi ngày, đặc biệt vào giờ tan tầm, lượng xe lưu thông rất lớn khiến giao thông thường xuyên bị ùn tắc. Trong cảnh khói bụi, người xe chen chúc thì hai bên lề đường, hàng rong vẫn vô tư được bày bán. Có mặt tại giao lộ này vào chiều ngày 20-5, chúng tôi nhận thấy có hơn 10 hàng bán phá lấu, bánh tráng trộn trên vỉa hè, xung quanh là đũa tre, bao ni lông vương vãi.

Chị Minh Nguyệt, một phụ huynh có con đang học tại Trường THPT Ernst Thalmann, cho biết: “Trước đây có khoảng 5-6 người bán, ngồi gần cổng trường. Nhưng hiện nay, số người bán tăng lên gấp bội, ngồi dàn thành hàng ngang, bủa vây cả cổng trường”. Trứng cút chiên, khô bò, xoài cắt sợi, đậu phộng, rau răm… được đựng trong các tô nhựa đã ngả màu. Riêng nồi thịt phá lấu đặt trên nền đất bẩn, không đậy nắp, tha hồ chứa bụi… Đa số người bán đều không đeo bao tay, vừa bốc thức ăn vừa thối tiền cho khách. Một bảo vệ của Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1) nói: “Cả chục người bán, không cho ngồi bán bên này họ lại chạy qua lề đường bên kia. Nhiều khi trong một ngày phải dẹp đến cả chục lần nhưng rồi đâu lại vào đấy”.  

Song “vương quốc hàng rong” nhộn nhịp nhất phải kể đến là khu vực cổng Trường THCS Hồng Bàng (quận 5). Mặc dù đây là nơi đã phát sinh hai ca bệnh tả đầu tiên ở TPHCM nhưng hàng ngày, vào giờ tan trường, vẫn có rất nhiều học sinh mua hàng rong, vô tư ăn uống trước cổng trường. Hàng chục xe đẩy bán phá lấu, cá viên chiên, súp cua, bắp xào, xôi chè, bánh tráng trộn… lúc nào cũng đông nghẹt áo trắng học trò. Hình ảnh tương tự cũng diễn ra ở các cổng trường THPT Lê Quý Đôn, Marie Curie, Nguyễn Thị Diệu (quận 3), THCS Minh Đức, Chu Văn An (quận 1)… và một số bệnh viện như Từ Dũ, Ung Bướu, Chợ Rẫy…

Riêng khu vực trước cổng Bệnh viện ĐH Y dược (quận 5), hàng rong tràn xuống cả lòng đường, chen chúc cùng xe cộ. Khói thịt nướng từ các quán cơm bình dân tỏa ra mù mịt. Nước thải, thức ăn thừa, vỏ trái cây chất đống trên vỉa hè, cạnh những thau nước rửa chén nổi váng lềnh bềnh. Nhếch nhác là thế nhưng các hàng quán này lúc nào cũng đông nghẹt khách, phó mặc các cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). 

Bất lực đi tìm lời giải (?!)

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, hiện TP có hơn 20.000 hàng rong, quán cóc chưa được các địa phương quản lý. Việc triển khai cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho hàng rong, quán cóc theo chỉ đạo của Sở Y tế TP chỉ mang nặng tính hình thức, chưa đi sâu vào cuộc sống do tính chất di động và khó quản lý của loại hình buôn bán này. Kết quả khảo sát của Viện Vệ sinh y tế công cộng gần đây cho biết, chỉ có khoảng 10% mẫu thức ăn đường phố đạt chất lượng VSATTP, còn lại đều nhiễm khuẩn, chứa hàn the, phẩm màu công nghiệp vượt quá giới hạn cho phép.

Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý các đối tượng bán hàng rong không có giấy chứng nhận VSATTP còn nhiều bất cập. Hầu hết các địa phương đều cho rằng mức xử phạt 10 - 15 triệu đồng theo Nghị định 45/2005/NĐ-CP là quá cao nên khó áp dụng xử lý. Bên cạnh đó, lực lượng dân phòng và thanh tra xây dựng phường được giao trách nhiệm xử lý lại không thể túc trực 24/24 giờ. Do đó, nhiều nơi xảy ra tình trạng lực lượng kiểm tra đến, đường thông hè thoáng, song khi lực lượng này vừa đi, hàng rong lại vô tư được bày bán.

Riêng về phía các trường học và bệnh viện, hầu hết chỉ có thể kêu gọi ý thức của học sinh và người đến khám chữa bệnh. Phó Giám đốc một bệnh viện lớn (xin được giấu tên) cho biết: “Đa phần người bán chỉ tập trung ngoài khuôn viên bệnh viện nên chúng tôi không thể can thiệp. Họ chỉ “né” lực lượng dân phòng ở địa phương, bảo vệ bệnh viện cũng bó tay”.

Tương tự, ở nhiều trường học, mặc dù đã được nhắc nhở không mua hàng rong trước cổng trường nhưng nhiều học sinh vẫn vô tư ăn uống. Thiết nghĩ, nếu không có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, mặt khác các đơn vị, sở ngành, địa phương không chung tay xử lý thì bài toán hàng rong, quán cóc vẫn tiếp tục loay hoay đi tìm lời giải.

Thu Tâm

Tin cùng chuyên mục