Bình quân mỗi ngày ở nước ta có đến 30 - 35 người chết do tai nạn giao thông (TNGT) chủ yếu là TNGT đường bộ. Đây là vấn đề đã và đang gây bức xúc cho toàn xã hội. TNGT có nguyên nhân từ sự không đảm bảo an toàn về chất lượng đường giao thông, điều kiện tự nhiên, phương tiện giao thông và ý thức của người tham gia giao thông, trong đó do thiếu ý thức của người tham gia giao thông chiếm 70%. Nghiên cứu về hiện trạng giao thông ở TPHCM, tôi xin đề xuất giải pháp khắc phục một số điểm đen TNGT trên các đường trục chính của TPHCM.
TNGT hiện chủ yếu tập trung vào các lỗi sau: Vào đường cong quá gấp (bán kính nhỏ) do quán tính nên không thay đổi kịp vận tốc như tại đường dẫn vào đầu cầu Trạm 2, cầu vượt Tân Tạo, vòng xoay An Sương, cầu Trao Trảo, cầu Bình Điền... Giải pháp khắc phục là tăng bán kính cong, cụ thể là mở rộng bán kính cong tại các đường cong có bán kính dưới 200m.
Đoạn đường có đoạn thẳng quá dài, gây ra tâm lý chủ quan phóng nhanh, đến khi gặp sự cố thì phản ứng không kịp. Như đường Kinh Dương Vương, đoạn quốc lộ 1 qua Bình Tân, đường Võ Văn Kiệt, xa lộ Hà Nội (đoạn từ khu du lịch Suối Tiên đến ngã tư Thủ Đức), quốc lộ 1 đoạn khu vực An Sương, đường Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trao Trảo... Giải pháp khắc phục là với các đoạn đường thẳng quá dài, cần khống chế vận tốc, hoặc dùng các biện pháp đèn nhấp nháy màu vàng và biển báo giảm tốc độ, đoạn đường nguy hiểm. Lưu lượng xe quá lớn so với diện tích mặt đường nên dễ xảy ra va quẹt. Giải pháp cần áp dụng là cải tạo, mở rộng những nơi có lưu lượng xe lớn, nếu mở rộng không được thì có thể sử dụng cầu vượt, hầm chui, hoặc giảm lưu lượng từ xa bằng cách làm các đường tránh.
Tầm nhìn không đảm bảo an toàn giao thông. Như tại cầu vượt Trao Trảo (quận 9) không đảm bảo tầm nhìn vào đoạn 2 đầu cầu và giao đường Nguyễn Xiển và Lò Lu, Trần Quốc Toản, Nơ Trang Long. Tuy đã có gương cầu lồi đặt tại vị trí này nhưng biện pháp này cũng chỉ có tác dụng hạn chế. Giải pháp khắc phục là cần mở rộng tầm nhìn, nếu không mở rộng được thì cần cảnh báo từ xa đến gần, đèn nhấp nháy màu vàng và yêu cầu các phương tiện giao thông giảm tốc độ, chú ý quan sát thì khi đó gương cầu lồi mới có tác dụng.
Do nạn lấn chiếm lòng lề đường, khiến người đi xe máy phải di chuyển sang làn xe tải hoặc ô tô, nên dễ gây ra tai nạn. Thí dụ tại đường Kinh Dương Vương ngay trước Trạm đăng kiểm của Sở GTVT, các xe chờ đăng kiểm đậu trên làn đường dành cho xe máy, lẽ ra Sở GTVT phải bố trí bãi đậu xe, không để các xe chờ đăng kiểm đậu lấn chiếm lòng đường. Tại vòng xoay An Sương, quốc lộ 1 đoạn trước khu du lịch Suối Tiên, các xe khách đậu đón khách, nơi tập trung các tuyến xe buýt: cần mở rộng đường tại các nơi đón khách của các phương tiện vận tải công cộng.
Một số tuyến đường bị ngập nước thường xuyên, nên mặt đường xuống cấp, dễ gây TNGT. Thí dụ như quốc lộ 1 đoạn từ cầu vượt Sóng Thần đến cầu vượt An Sương…, cần có biện pháp thoát nước căn cơ; khi mặt đường không thoát nước kịp, phải yêu cầu các phương tiện giao thông giảm tốc độ.
TNGT cũng thường xảy ra ở các đoạn đường có hướng tuyến trùng với hướng mặt trời mọc và lặn (Đông - Tây), do người điều khiển xe bị chói mắt. Thí dụ như tại Trạm 2, tỉnh lộ 7 Củ Chi. Trong trường hợp này, nên trồng cây xanh để chắn nắng chói.
Các cán bộ quản lý giao thông cần có biện pháp theo dõi tình hình TNGT từng ngày, phối hợp với các nhà khoa học để giải quyết triệt để TNGT tại các điểm đen, chứ không thể cứ đổ nguyên nhân TNGT là do người dân thiếu ý thức khi tham gia giao thông, mà phải phân tích nguyên nhân vì sao họ phải như vậy, để tìm hướng giải quyết căn cơ. Muốn giải quyết triệt để TNGT, phải có chiến lược đồng bộ để xây dựng được một môi trường giao thông an toàn.
NGUYỄN NGỌC TÂN