Khai mạc khóa 75 Đại hội đồng Liên hiệp quốc: Xây dựng lòng tin và sự đồng thuận

Sáng 16-9 (giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ) đã họp phiên bế mạc khóa 74 và khai mạc khóa 75. Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, ĐHĐ khóa 74 được tổ chức trong bối cảnh thế giới đương đầu đại dịch Covid-19 và đây là điều chưa từng có tiền lệ.
Phiên khai mạc Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 75
Phiên khai mạc Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 75

Lễ chuyển giao với khẩu trang và nước diệt khuẩn

Trong hơn 7 tháng qua, ĐHĐ LHQ đã thông qua hơn 70 nghị quyết và quyết định quan trọng, trong đó có nghị quyết “Ứng phó toàn diện và phối hợp với đại dịch Covid-19” được nhiều nước quan tâm và ủng hộ. Chủ tịch ĐHĐ khóa 74 Tijjani Muhammad-Bande cảm ơn sự hỗ trợ của các nước trong suốt năm qua, thúc đẩy ĐHĐ LHQ vượt qua khó khăn, giải quyết các vấn đề quốc tế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua, ĐHĐ LHQ tiếp tục duy trì các hoạt động thông qua hình thức trực tuyến để thảo luận nhiều vấn đề nóng trên toàn cầu.

Trong phiên họp cũng đã diễn ra lễ chuyển giao nhiệm vụ Chủ tịch giữa 2 khóa. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm thành lập lễ chuyển giao nhiệm vụ Chủ tịch ĐHĐ LHQ diễn ra cùng với khẩu trang và nước diệt khuẩn do dịch Covid-19. Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 74 Tijjani Muhammad-Bande chuyển giao chiếc búa biểu tượng quyền lực cho người kế nhiệm là ông Volkan Bozkir, nhà ngoại giao người Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Volkan Bozkir là ứng cử viên duy nhất cho vị trí Chủ tịch ĐHĐ LHQ và đã giành được sự nhất trí ủng hộ của 178 nước thành viên LHQ trong cuộc bỏ phiếu kín diễn ra ngày 17-6 năm nay. 

Nhiều chủ đề thời sự 

Trước thềm kỳ họp cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 75, Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 75 Volkan Bozkir cam kết thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tổ chức các hội nghị thượng đỉnh, hội nghị cấp cao… với nhiều chủ đề thời sự. Trong khóa 75, ông Volkan Bozkir cũng sẽ dành ưu tiên trong việc tổ chức 2 phiên họp đặc biệt về đại dịch Covid-19 và chống tham nhũng.

Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 75 Volkan Bozkir cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống đa phương và sự hợp tác quốc tế. Ông Volkan Bozkir cho biết sẽ tập trung thúc đẩy hệ thống đa phương hoạt động hiệu quả, xây dựng lòng tin và sự đồng thuận giữa các thành viên của ĐHĐ. Đồng thời ông sẽ quan tâm đến những người dễ bị tổn thương nhất, tăng cường hoạt động viện trợ nhân đạo ở các khu vực xung đột, trao quyền cho phụ nữ… Ông Bozkir cũng cam kết nỗ lực phát huy vai trò của ĐHĐ LHQ trong hợp tác với các nước, các tổ chức và khu vực. ĐHĐ LHQ khóa 75 chính thức hoạt động từ ngày 15-9-2020 đến 15-9-2021.

Năm nay, do đại dịch Covid-19 nên Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 75 (dự kiến diễn ra từ ngày 22 đến 25-9) sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến. Thông báo của ĐHĐ LHQ nêu rõ: “Mỗi quốc gia thành viên, quan sát viên và Liên minh châu Âu có thể gửi bài phát biểu đã được ghi hình trước. Các bài phát biểu này sẽ được phát tại phòng họp ĐHĐ LHQ”.

Theo truyền thống, hàng trăm sự kiện cũng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ kỳ họp thường niên của ĐHĐ LHQ. Tuy nhiên, trong thư gửi các nước thành viên, Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 74 Tijjani Muhammad-Bande cho biết, các quốc gia thành viên được khuyến khích chuyển tất cả các sự kiện bên lề sang nền tảng trực tuyến để hạn chế việc di chuyển và số lượng người bên trong tòa nhà LHQ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ngày 15-9, cuộc họp giữa Ủy ban các đại diện thường trực tại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với LHQ do Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN và ông Khaled Khiari, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ phụ trách chính trị và các hoạt động gìn giữ hòa bình, đồng chủ trì đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây là cuộc họp thường niên cấp đại sứ giữa ASEAN và LHQ nhằm kiểm tra tiến độ triển khai các dự án và hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Kế hoạch hành động ASEAN - LHQ giai đoạn 2016-2020.

Tại cuộc họp, các nước ASEAN và LHQ đánh giá tích cực về những bước phát triển quan trọng của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên. LHQ bày tỏ ủng hộ các sáng kiến của ASEAN nói chung và của Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN - trong năm 2020, mong muốn hỗ trợ ASEAN nhiều hơn nữa trong triển khai khung phục hồi hậu Covid-19 cũng như các lĩnh vực như phụ nữ, hòa bình và an ninh; hành động vì khí hậu; an ninh mạng…

Tin cùng chuyên mục